Lượng nước trong cơ thể con người dao động từ 45-75%, tùy vào độ tuổi và giới tính. Cơ thể con người sẽ dựa vào nước để thở, tiêu hóa, bôi trơn khớp, loại bỏ chất thải, hoạt động của não, giao tiếp, duy trì cân bằng nội môi – về cơ bản, mọi chức năng của cơ thể.
Khi cơ thể chúng ta không nhận đủ nước hoặc mất nước nhiều hơn lượng nước hấp thụ, thì khả năng bị mất nước là rất cao. Thật không may, kết quả của việc mất nước có thể gây ra các biến chứng cả tức thời và lâu dài.
Nghiên cứu cho thấy, cơ thể chúng ta cũng đang mất nước cả ngày và suốt đêm khi chúng ta đổ mồ hôi hoặc khóc, nhiều hơn khi đi tiểu và thậm chí một ít khi chúng ta hít thở. Do đó, chúng ta nên uống nước liên tục trong ngày để duy trì mức độ hydrat hóa của cơ thể và ngăn ngừa các triệu chứng mất nước sớm.
Theo Tiến sĩ Brittain và chuyên gia y học chức năng Erika Schwartz cho biết: Cơ thể của chúng ta thực sự làm rất tốt nhiệm vụ cảnh báo rằng chúng ta có đang uống không đủ nước hoặc có nguy cơ bị mất nước nhẹ. Do đó, khi uống không đủ nước có thể gây đau đầu, sương mù não hoặc lú lẫn, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, choáng váng và chóng mặt.
Ngoài ra, Tiến sĩ Schwartz cho biết thêm: Vì nước đóng một vai trò quan trọng trong việc bôi trơn các khớp và cơ nên việc thiếu nước cũng có thể khiến chúng ta bị đau khớp và cứng khớp hoặc chuột rút ở cơ và dây chằng. Một số dấu hiệu khác là khô miệng và da, tăng cảm giác khát và nước tiểu đậm hơn, đặc hơn (và ít hơn).
Do đó, mỗi ngày chúng ta nên uống ít nhất là 2 lít nước để duy trì lượng nước cho cơ thể. Có thể uống nhiều hơn khi tập thể dục hoặc bất cứ khi nào thấy khát.
Tuy nhiên, uống nước không phải là cách duy nhất để giữ đủ nước cho cơ thể. Trái cây và rau có hàm lượng nước cao cũng là một cách tuyệt vời để giữ cho hệ thống cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất. Ví dụ như bông cải xanh, cà rốt, dưa chuột, dưa hấu và nho đều có hàm lượng nước cao.