Có thời gian rộ lên tin ăn bột ngọt (mì chính) sẽ gây bệnh nên nhiều gia đình chuyển hẳn sang dùng hạt nêm. Nhưng sự thật bột ngọt có độc hại như chúng ta vẫn nghĩ?
Nhiều người không thích ăn bột ngọt vì họ cho rằng dùng vào gây cảm giác ngứa ngáy, đau đầu, bủn rủn tay chân… Tuy nhiên cũng có những người thích bột ngọt, thiếu gia vị này thì cảm thấy món ăn không được đậm vị.
Thực ra, theo các chuyên gia bột ngọt tốt hay không là do cách sử dụng của các chị em nội trợ. Cụ thể là thế nào, cùng xem các chuyên gia lý giải về điều này nhé!
Bột ngọt là gia vị đánh lừa vị giác
Để có món ăn ngon thì gia vị chính là linh hồn, nếu nêm nếm đúng lượng, đúng cách sẽ giúp thơm ngon, dậy vị. Tuy nhiên, nhiều mẹ nội trợ cứ đo lường theo cảm tính nên lúc mặn, lúc nhạt, khi lại quá ngọt.
TS. Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam) chia sẻ trên Trí Thức Trẻ:
“Bột ngọt chính là axit glutamic. Trong bột ngọt không có chứa năng lượng hay vi chất nào cả. Nói chung, giá trị dinh dưỡng của mì chính chỉ là con số 0. Nó chỉ có tác dụng đánh lừa vị giác của con người.
Bột ngọt hiện nay vẫn được sử dụng nhiều trong nhân dân là do thói quen từ xa xưa, thời mà thực phẩm khan hiếm, thịt, cá, tôm, cua… không có nhiều. Người dân nấu canh suông cho bột ngọt vào để có vị ngọt và giúp cho dễ nuốt. Do có khả năng đánh lừa vị giác của con người nên bột ngọt cũng được sử dụng rất nhiều trong các quán ăn, nhà hàng, thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn”.
Tuy vậy, một số nghiên cứu cũng cho thấy bột ngọt là loại gia vị có khả năng kích thích dạ dày tiết dịch, tác động vào hệ thần kinh vị giác, các men tiêu hóa phải hoạt động mạnh. Nêm nếm gia vị là điều cần thiết để có được món ăn thơm ngon, đậm vị. Nhưng nếu ăn quá nhiều, sử dụng vô tội vạ có thể gây ra những tác động xấu tới sức khỏe của người dùng. TS. Từ Ngữ cho biết, trong bột ngọt còn có chứa một lượng natri vì thế sẽ có liên quan đến bệnh tim mạch, các mẹ nội trợ cần hết sức lưu ý tránh dùng quá nhiều.
TS. Từ Ngữ cũng chia sẻ thêm rằng ngày nay thực phẩm đã quá dư thừa, thịt cá nhiều giúp món ăn đậm vị, nên cũng không cần thiết phải sử dụng bột ngọt cho vào thức ăn. Vì khi đã có thực phẩm ngon, nấu ăn ngon một cách tự nhiên thì cho bột ngọt vào chỉ là thừa.
Sai lầm khiến cho bột ngọt trở lên tai hại
Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (JECFA), Ủy ban khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu (EC/SCF) xác nhận bột ngọt là gia vị an toàn. Trên Trí Thức Trẻ, Ths Lưu Liên Hương, Viện y học ứng dụng cũng cho biết, bột ngọt được Bộ Y Tế cho vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tuy vậy, bột ngọt nếu dùng sai cách vẫn có hại như thường. Cụ thể:
– Nêm bột ngọt vào món ăn đang sôi hoặc nhiệt độ cao hơn 100 độ C thì sẽ dễ sinh ra các chất như pyroglutamate hay natri có hại cho sức khỏe cũng như khiến món ăn trở nên nhạt vị.
– Nêm bột ngọt vào món nguội, món lạnh sẽ không có tác dụng vì sẽ rất khó tan.
– Nêm bột ngọt vào món ăn có vị chua, có tính axit thường sẽ làm thay đổi thành phần trong bột ngọt, làm mất đi hương vị cũng như gây hại đến sức khỏe.
– Thêm bột ngọt vào cà chua, tôm thì sẽ làm mất đi vị ngọt tự nhiên. Ngoài ra khi nấu thịt lợn cũng hạn chế cho bột ngọt vì thịt lợn kết hợp với muối sẽ cho vị ngọt tự nhiên mà không cần thêm bột ngọt nữa
Gia vị trong nhà bếp từ dầu ăn, mắm, muối, đường, bột ngọt… khá quen thuộc, người người nhà nhà đều sử dụng. Tuy nhiên nếu sử dụng sai cách thì dễ sinh ra chất độc hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, các chị em có thể gia giảm bớt gia vị, chọn những món thanh đạm để giữ được vóc dáng thon gọn cũng như giữ được hương vị, dưỡng chất trong món ăn. Còn bạn có thói quen sử dụng bột ngọt khi nấu ăn không, cùng chia sẻ bí quyết nêm nếm gia vị của bạn nhé.
Một số mẹo dùng gia vị giúp món ăn thơm ngon, bổ dưỡng
Theo các chuyên gia ẩm thực, việc nêm nếm đúng cách, đúng thời điểm giúp món ăn trở nên thơm ngon, bổ dưỡng. Các mẹ hãy lưu lại bí kíp dưới đây để có được những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng nhé!
– Nước mắm: nêm khi món ăn đã chín, nêm vào sau đó nhắc xuống ngay
– Đường: không nên để lửa quá lớn, nếu không sẽ bị cháy khét. Nếu muốn món ăn đậm vị thì không nên cho quá nhiều đường mà hãy làm phần sốt riêng.
– Hạt nêm: Nên nêm sớm vì để thức ăn đã chín mới cho vào thì hạt nêm sẽ khó tan.