AFF Cup nhiều khả năng sẽ dời từ cuối tháng 3 xuống đầu tháng 12/2021. Thông tin này có thể khiến HLV Park Hang-seo trải qua 3 tháng vô cùng mệt mỏi cùng đội U22 và tuyển Việt Nam
SEA Games vừa qua, AFF Cup đã đến, VCK U23 châu Á xếp hàng chờ
Cuộc họp của Ban thi đấu Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) chiều 7/12 đã đưa ra phương án dời AFF Cup xuống ngày 5/12/2021 và kết thúc vào ngày 1/1/2022. Nguyên nhân dĩ nhiên vì dịch Covid-19 còn phức tạp, kéo theo những hệ luỵ liên quan đến thể thức thi đấu tổ chức ở mọi quốc gia trong khu vực.
Thông tin này chắc chắn sẽ khiến các Liên đoàn, các HLV trưởng phải đau đầu tính toán khi ngay trước đó là SEA Games 2021. Đại hội được tổ chức tại Việt Nam kéo dài từ ngày 21/11 đến 2/12, chỉ 3 ngày trước khi AFF Cup diễn ra như phương án đã được đề xuất.
Đội tuyển Việt Nam nhiều khả năng vừa phải đá AFF Cup vừa phải đá vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á vào cuối năm 2021 (Ảnh: Tiến Tuấn)
Hầu hết các nước Đông Nam Á đều thuê HLV “2 trong 1”, kiêm nhiệm cả ĐTQG lẫn U22. Phân chia ban huấn luyện ra sao, kế hoạch tập luyện cho cả hai đội tuyển thế nào trở thành bài toán hóc búa.
Bài toán càng trở nên phức tạp hơn khi AFF Cup 2021 kết thúc, VCK U23 châu Á 2022 đã đặt chỗ chờ. Lịch trình như vậy tạo nên 3 tháng nghẹt thở đối với những HLV đang dẫn dắt các đội tuyển được kỳ vọng cao như Park Hang-seo hay Akira Nishino.
Chưa hết, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) khẳng định sẽ cố gắng kết thúc vòng loại thứ hai World Cup 2022 trước ngày 15/6/2021. Họ buộc phải tổ chức số trận còn lại cho 12 đội tuyển ở vòng loại thứ ba xong trước tháng 5/2022 để kịp lịch World Cup ở Qatar.
Đội tuyển Việt Nam đang rộng cửa lọt vào vòng loại thứ ba. Khi ấy, nhiều khả năng đội tuyển Việt Nam sẽ có những trận đấu trong tháng 11 – 12/2021. Điều này buộc HLV Park Hang-seo phải phân thân, phải có một đội ngũ ban huấn luyện hùng hậu trong bối cảnh mục tiêu nào cũng quan trọng.
Năm 2020 có thể xem là khoảng thời gian rảnh rỗi nhưng cuối năm 2021 lại quá đỗi bận rộn kèm theo áp lực ngàn cân đối với HLV Park Hang-seo cũng như VFF.
Nếu lịch thi đấu AFF Cup dời xuống cuối năm 2021, HLV Park Hang-seo sẽ trải qua 3 tháng liên tiếp làm việc với ĐTQG và U22 Việt Nam (Ảnh: GN)
HLV Park Hang-seo khó dẫn dắt cả ĐTQG và U22 Việt Nam
Với VFF và HLV Park Hang-seo, họ được lãnh đạo đặt mục tiêu cao ở cả SEA Games và AFF Cup vào năm sau. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là SEA Games 2021 được tổ chức trên sân nhà, tạo thuận lợi nhất định cho HLV Park Hang-seo trong việc quản lý.
HLV Park Hang-seo không lạ lẫm với chuyện một tay hai đội tuyển. Ông từng chia hai ê-kíp, một để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup, một để huấn luyện đội U22 dự SEA Games vào cuối năm 2019. Thế nhưng, khó khăn nhìn chung vẫn bao trùm.
Không chỉ có mối liên hệ giữa ĐTQG và U22 Việt Nam, nếu tuyển Việt Nam giành vé vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Nhiều khả năng Việt Nam phải chia hai đội hình nếu có trận đấu trong tháng 12/2021. Đây là điều HLV Park chưa từng gặp phải.
Vòng loại cuối cùng World Cup là một sân chơi lớn Việt Nam chưa từng được tham dự. Tuyển Việt Nam sẽ được chạm trán liên tục với những đội tuyển hàng đầu châu Á. Cơ hội đi tiếp không cao nhưng kinh nghiệm thu lại, góc nhìn của các nền bóng đá mạnh với Việt Nam có thể được thay đổi tốt hơn. Nếu chuẩn bị không tốt với một đội hình không phải mạnh nhất thì bộ mặt nền bóng đá có thể bị ảnh hưởng.
HLV Park Hang-seo cùng các cộng sự gặp khó khi phải làm việc với 4 giải đấu chỉ trong 3 tháng (Ảnh: VFF)
HLV Park Hang-seo từng đưa ra phương án để ông tập trung dẫn dắt ĐTQG, còn đội U22 Việt Nam sẽ có một HLV trưởng khác. Tuy nhiên, phương án này không được chấp nhận bởi thời điểm đó Việt Nam vẫn khát HCV SEA Games. Phương án này có thể một lần nữa được nhắc lại vào năm sau.
HLV Park Hang-seo, VFF và lãnh đạo ngành thể thao sẽ cần những cuộc họp bàn để xác định tầm quan trọng của từng mực tiêu trong năm 2021. HLV người Hàn Quốc rất khó để làm tốt tất cả trận đấu quan trọng trong chặng “tourmalet” kéo dài 3 tháng liên tục.
Theo Tri Thức Trẻ