Tết đến xuân về, nhắc đến tết là nhớ ngay đến món mứt quen thuộc. Không quan trọng là mứt gì, bởi ở đây có quá nhiều loại mứt mà tùy vị, sở thích của mỗi gia đình mà chọn một món mứt phù hợp. Dưới đây là tổng hợp công thức những loại mứt ngon cho ngày tết mà chị em có thể tham khảo!
1. Mứt mãng cầu xiêm
Nguyên liệu:
- 1,5kg thịt mãng cầu xiêm
- 500g đường cát trắng
- 1 ống vani
- Giấy bóng kiếng để gói mứt
Ảnh: Hien Thanh
Cách làm:
Mãng cầu chọn quả da vàng, láng, gai mềm, khoảng cách giữa các gai rộng.
- Lột bỏ vỏ, rửa qua nước lạnh.
- Dùng nĩa tách mãng cầu thành những múi nhỏ, bỏ hết hạt, lấy phần thịt cân 1,5kg.
- Ướp mãng cầu + đường trong khoảng 3 tiếng cho thấm vị.
- Sau khi ướp xong, cho mãng cầu vào chảo và bắt đầu sên. Sên nhỏ lửa, dùng đũa đảo nhẹ tay cho đến khi mãng cầu sền sệt thì rắc vani vào trộn đều. Tắt bếp.
- Trải mứt ra khay, đem phơi 2 – 3 nắng cho mứt khô hẳn. Thỉnh thoảng trở mứt, để mứt khô đều.
- Dùng giấy bóng kiếng bọc mứt thành viên dài, ngắn tùy ý thích, xoắn 2 đầu.
- Cho viên mứt vào lọ thủy tinh để dùng dần. Bảo quản ngăn mát tủ lạnh sẽ được lâu hơn.
2. Mứt táo đỏ
Ảnh: Nguyen Van Anh
Cách làm:
- Ngâm táo với nước ấm rồi rửa cho sạch bụi bẩn, phơi khô
- Dùng tăm nhọn hoặc mũi dao khía xung quanh quả để khi ngâm đường dễ ngấm vào trong
- Xếp vào hộp, rắc đường đều khắp. Tùy vào lượng táo và khẩu vị mỗi người, mọi người cho đường tùy thích nhưng không nên cho nhiều quá vì táo đã ngọt sẵn. Để yên qua đêm cho đường tan và ngấm đều
- Đặt chảo lên bếp, đổ táo ngâm vào đun sôi. Có thể cho thêm gừng thái lát nếu thích. Gừng kết hợp với táo đỏ rất tốt, mùi cũng thơm. Ở đây em không cho vì muốn giữ nguyên vị táo
- Mới đầu để lửa to thì đảo đều tay tới khi nước đường bắt đầu quánh lại thì giảm lửa nhỏ liu riu tránh để đường bị cháy. Cạn nước thì bắc ra để nguội
- Cho vào lọ thủy tinh/hộp nhữa để dùng dần.
3. Mứt cóc bao tử
Nguyên liệu:
- 1kg cóc (chọn cóc non không hạt sẽ ngon hơn)
- 400gr đường
- 200ml nước ép thơm
Ảnh: Anh Trang
Cách làm:
- Cóc gọt vỏ ngâm nước muối. Vớt ra rửa sạch
- Bổ đôi trái, trái bé có thể để nguyên trái. Cho đường vô để ngâm qua đêm
- Sáng đổ hết hỗn hợp cóc ngâm đường vào chảo để sên. Cứ để lửa vừa cho cóc sôi kẹo bớt nước khi nào cóc bắt đầu chuyển đỏ thì nhỏ lửa sên liên tục (đảo nhẹ tay, tránh cóc nát).
- Khi cóc hơi kẹo lại đổ nước thơm vào rim tới khi màu đỏ nâu thẫm là đc.
Món cóc chua cay: vớt cóc ra trộn muối tôm và ớt bột.
Món cóc dẻo chua ngọt: vớt cóc trần qua nồi nước ấm (ráo bớt đường) sau đó mang phơi nắng tầm 2 ngày là được.
4. Mứt quất dẻo
Nguyên liệu:
- Quất: 1kg (Chọn những quả chín vàng khi làm xong màu sẽ lên đẹp và ăn không bị quá đắng)
- Đường phèn: 700gr
- Gừng: 1 củ nhỏ thái sợi
Ảnh: Nguyễn Ánh Nguyệt
Cách làm:
- Khứa nhẹ xung quanh quả quất 4 hoặc 5 đường theo chiều dọc để tào hình cánh hoa, ko nên khứa sâu quá nếu ko khi bóp nước sẽ bị nát.
- Sau đó dùng tay ấn nhẹ cho quất ra bớt phần nước và hạt. (Không bóp kiệt nước vì khi sên quất sẽ bị khô)
- Đun một nồi nước sôi rồi tắt bếp bỏ quất vào ngâm trong vòng 10 phút.
- Ngâm xong vớt quất ra cho vào bát nước có đá lạnh ngâm thêm 5 phút, sau đó vớt ra chắt bớt nước và để ráo.
- Ngâm quất với đường phèn. Theo thứ tự một lớp quất rồi đến một lớp đường, cho thêm vài ba thìa nước quất ép đã được bỏ hạt ở bước trên và thêm gừng đã cắt sợi vào cùng. Uớp trong thời gian từ 30-60 phút hoặc đến khi thấy đường phèn tan là được.
- Cho hỗn hợp quất đường vào chảo, ban đầu cho lửa vừa đến khi thấy nước đường sôi bùng lên thì chỉnh lửa nhỏ hết cỡ, không cần đảo nhiều, thỉnh thoảng dùng đũa lật mặt kia của miếng quất là được.
- Khi thấy phần nước đường đã gần khô, vớt quất ra để nguội cho vào lò sấy hoặc nồi chiên không dầu sấy 100 độ trong vòng 10 phút là xong.
5. Mứt rau câu trái cây
Nguyên liệu:
Carot nhỏ: 1 củ
- 200ml nước
- Đường 300g
- Kanten 4g ( rau câu giòn)
Hoa đậu biếc:
- 1 muỗng cà phê
- 200ml nước
- Đường 300g
- Kanten 4g ( rau câu giòn)
Trái Việt quất 50g
- 200ml nước
- Đường 300g
- Kanten 4g ( rau câu giòn)
Lá cải bó xôi: 50g
- 200ml nước
- Đường 300g
- Kanten 4g ( rau câu giòn)
Ảnh: Xuan Kieu Kado
Cách làm:
- Rau củ quả lấy nước màu 200ml
- Carot cắt nhỏ cho vào máy xay nhuyễn rồi vắt lấy 200ml nước màu.
- Cải bó xôi cắt khúc cho vào máy xay nhuyễn vắt lấy 200ml nước màu.
- Hoa đậu biết cho vào nồi nấu với nước cho ra màu vừa ý thích. Cho ra rây chắt lọc lấy 200ml nước màu.
- Trái việt quất cho vào nồi nước nấu cho ra màu rồi chắt lọc lấy 200ml nước màu.
- Cho nước rau củ quả, bột kanten vào nồi khuấy đều cho tan nấu với lửa vừa cho sôi cho đường vào khuấy đều cho tan hết.
- Cho hỗn hợp kanten ra khuôn, để cho nguội đông đặc lại.
- Cắt rau câu ra thành viên vừa ăn( tuỳ theo ý thích)
- Khi phơi nhớ trải giấy nến bên dưới để tránh bị dính.
* Phơi 2~3ngày thì xem mặt trên của rau câu đã khô chưa ? Nếu khô thì trở mặt lại, cho mặt dưới lên trên phơi tiếp 1~2 ngày nữa cho khô hoàn toàn nhé!
* Khi phơi ngoài trời nhớ che vải the lên trên tránh côn trùng đậu vào.
* tránh phơi trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ làm cho rau câu tan chảy nhá!
* Tránh phơi nơi có nhiều kiến, nếu có kiến nên làm các biện pháp như để nước phía dưới chỗ phơi để kiến không bò vào
6. Mứt khế xào gừng
Ảnh: Lê Ngọc Huyền
- Cắt thành từng múi
- Ướp muối để qua đêm. Mục đích để nước trong khế rút bớt ra, phơi cũng không bị mốc hỏng
- Khế sau khi ướp muối đem phơi.
- Khế sau khi được phơi xong thì đem rửa sạch cho bớt muối. Ngâm 3,4 tiếng với nước cho khế nở to
- Ướp với đường, gừng giã nhỏ. Ướp qua đêm cho ngấm vị
- Cho lên bếp sên như những loại mứt khác là được.
7. Mứt củ sen
Nguyên liệu:
- 600g củ sen đã gọt sạch vỏ
- 400g đường trắng
- 1 thìa cà phê vani nước hoặc 1 ống vani nhỏ
- 1/2 quả chanh to hoặc 1 quả chanh nhỏ
- 1/2 thìa cà phê muối trắng
Ảnh: Việt Anh
- Củ sen cắt miếng mỏng vừa ăn (2-2,5mm), ngâm vào nước có vắt chanh và 1/4 thìa cà phê muối cho trắng, không bị thâm.
- cho nước vào nồi đun sôi, vớt củ sen đã ngâm chanh ra thả vào trần qua.
- Vớt củ sen ra, vảy cho ráo nước và ướp với đường và 1/4 thìa cà phê muối còn lại độ 6-8h cho tan hết đường. Sau đó bắc lên bếp đun lửa vừa.
- Đường bắt đầu cạn thì giảm nhỏ lửa, cho vani vào, sên mứt đến khi đường bám trắng vào miếng mứt thì tắt bếp. Đảo nhẹ tay tiếp đến khi mứt nguội.
- Để mứt nguội hẳn thì trữ mứt trong hũ thủy tinh hoặc hũ sạch đã tiệt trùng.
8. Mứt me
Bước 1: Dùng dao gọt 2 sống lưng của quả me, sau đó ngâm vào nước muối hột pha loãng trong 6-8 tiếng tỉ lệ 10kg me 800g muối hột, việc ngâm me trong nước muối pha loãng giúp vỏ me dễ tách
Bước 2: Dùng dao nhỏ tách vỏ me, sau đó tiếp tục ngâm me đã tách vỏ trong 800g muối hột pha loãng trong 8-12 tiếng. Độ mặn trung bình của muối hột sẽ giúp me giảm bớt độ chua, quả me sẽ dẻo dễ dàng cho việc tách hạt mà không làm me bị gảy.
Bước 3: Kiểm tra quả me, dùng tay sờ vào thấy quả me dẻo hơi ngã màu là me đã tách hạt được. Dùng dao nhọn rạch phần bụng quả me hoặc có thể rạch phần lưng vẫn được, sau đó dùng tay banh nhẹ theo đường cắt để dễ dàng lấy phần hạt ra.
Ảnh: Ngô Văn Nhanh
Bước 4: Quả me sau khi tách hạt tiếp tục ngâm trong nước pha với 1 muỗng canh phèn chua trong 3 tiếng. Việc ngâm me trong phèn chua giúp me giữ được độ giòn khi phơi, lưu ý có thể không dùng phèn chua vẫn được nhưng khi phơi quả me sẽ teo, dai và không giữ được dáng quả me.
Bước 5: Quả me sau khi ngâm qua nước phèn chua thì rửa lại với nước 3 lần, để ráo
Bước 6: Quả me sau khi để ráo nước thì cân xem trọng lượng còn bao nhiêu sau đó trộn đường cát vào, tỉ lệ 1 kg me sau khi tách hạt trộn 650-700g đường, các bạn muốn chua nhiều thì có thể giảm lượng đường. Có thể để qua đêm để chờ đường tan hết sau đó chắt nước đường đã tan ra nồi nấu đến khi sánh lại và để nguội sau đó trộn đều cho vào me. Vì me đã ngâm muối trước đó nên khi nấu nước đường không cần nêm muối để trung hoà vị chua.
Bước 7: Cho me ra khay hoặc mâm và phơi trực tiếp ngoài ánh nắng mặt trời, việc phơi me ngoài nắng giúp me ngấm đường, lên màu đẹp và giữ được mùi thơm đặc trưng của quả me. Phơi liên tục 4 hôm đến khi phần nước sánh đặc lại thì mang cất me vào hộp, lúc này mà ăn thì Tết nhịn ăn nhé. Bảo quản điều kiện thường tối đa 2 tháng, trong ngăn mát thì trên 1 năm.
9. Chuối ngào đường nước gừng
Nguyên liệu:
- 1 nải chuối xanh già chừng 1,5-2kg
- 500g đường
- 1 nhánh gừng nhỏ
- 1 thìa vừng trắng rang sẵn
- 50g muối hạt
Ảnh: Thu Thủy
Cách làm:
- Chuối xanh đem gọt vỏ ngâm vào nước cho bớt nhựa sau đó đem thái lát mỏng (không nên thái lát mỏng quá hoặc dày quá).
- Hoà tan 50g muối hạt vào nước sau đó ngâm với chuối đã thái lát mỏng khoảng 15p rồi đem rửa lại bằng nước sạch để thật ráo nước
- Cho chảo lên bếp cho 1 lượng dầu ăn vào chảo cho nóng già. Bỏ chuối vào chiên đến khi vàng giòn là được sau đó để nguội.
- Cho đường vào 1 chiếc chảo khác cùng với khoảng 100ml nước, nước gừng đun cho đường tan hết khi sủi lăn tăn khoảng 3-5p mình cho chuối vào đảo đều bỏ thêm vừng rang. Cho nhỏ lửa đến khi cạn đường keo lại thì tắt bếp và đảo nhẹ cho đường bám vào chuối
10. Mứt dừa truyền thống tạo kiểu hoa cúc
Nguyên liệu:
- 4 quả dừa (chọn dừa không quá non cũng không quá già)
- Đường cát trắng
- Rau củ tạo màu: hoa đậu biếc, nước ép thanh long đỏ, các loại bột rau củ.
Ảnh: Thanh Khôi
Cách làm:
- Gọt sạch lớp áo dừa cứng bên ngoài
- Nạo sợi dài 2 quả. 2 quả thái khúc chữ nhật và tỉa sợi mảnh để làm hoa cúc.
- Ngâm chúng với chút muối và chanh. Sau 30 phút thì rửa sạch và trần qua nước sôi. Tiếp tục ngâm nước lạnh thêm 1h. Sau đó rửa thật sạch cho đến khi nước trong thì thôi. Để ráo và ngâm đường.
- Đường chia theo tỉ lệ 2:1 (2 phần dừa 1 phần đường, chỉ có thể thêm xíu đường chứ không được giảm. Ít đường quá đường không kết tinh được, nhiều quá sẽ bị vón cục.
- Ngâm đường đến khi tan hoàn toàn thì cho nước màu từ rau củ (đã pha và lọc qua rây) vào ngâm thêm 3-4h.
Sên dừa:
- Cho dừa lên chảo sên (nên sên bằng chảo đáy dày và chống dính).
- Khi nước đường trong chảo sôi thì hạ lửa nhỏ và sên đến khi nước cạn bắt đầu bông đường, tắt bếp và đảo đều tay đến khi đường kết tinh màu trắng. (Quá trình sên bắt buộc đảo đều tay liên tục).
- Đối với tạo hình hoa cúc thì nên tạo hình luôn khi dừa vừa sên xong còn nóng (khô sẽ khó uốn). Gập cánh hoa vào trong là được.
Lưu ý:
– Dừa không kết tinh được là do thiếu đường thì đổ đường vào sên tiếp
– Thừa đường vón cục thì thêm chút nước, sên đến khi khô
– Sên dừa xong mang dừa đi phơi nắng hoặc sấy trong lò cho dừa khô hẳn. Để tránh chảy nước và bảo quản được lâu.
Nguồn: Yêu bếp