Bệnh đã qua nhưng di chứng vẫn ở lại. Hậu Covid các triệu chứng thường gặp như sốt nhẹ, khó thở, mệt mỏi, ho kéo dài, đau khớp, rụng tóc, tim đập nhanh, đánh trống ngực, rối loạn tiêu hóa, ăn uống không ngon miệng, chán ăn, tiêu chảy, rối loạn vị giác, khứu giác… sẽ xuất hiện ở nhiều người với một số tình trạng khác nhau. Phải làm gì để khắc phục những triệu chứng đó?
1. Khắc phục tình trạng ho khan, ho kéo dài
Với triệu chứng ho khan, có thể lúc này cơ thể vẫn còn virus, nhiễm virus đường hô hấp khác hoặc ho do dị ứng, khói thuốc, hóa chất… Cách xử lý là dùng giảm ho bổ phế, thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin (theralene hoặc benadryl hay các loại có thành phần tương tự).
Bệnh nhân lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều… có thể làm tăng tiết acid dạ dày, rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ho khan. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ dày, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.
2. Khắc phục tình trạng mệt mỏi, đau đầu
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu chất khoáng, vitamin và năng lượng; đảm bảo ngủ đủ giấc.
Để điều trị đau đầu hậu Covid thường kết hợp nhiều phương thức khác nhau tùy tình trạng bệnh lý. Ví dụ, đau đầu có yếu tố tâm thần kinh, cần phối hợp tâm lý trị liệu, duy trì chế độ vận động – nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, thường xuyên thư giãn chống stress (tập yoga, thiền định hay chánh niệm).
Người đau đầu kèm giảm chức năng nhận thức, kém tập trung và có hiện tượng “não mù sương”, nên dùng thêm các loại củ quả chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có thành phần flavonoid như cần tây, bông cải xanh, cà rốt, tía tô, dầu oliu, trà hoa cúc…
3. Khắc phục tình trạng đau mắt đỏ
Theo bác sĩ Bùi Thị Phương Nhung, Khoa Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: nguyên nhân chính khiến F0 bị đau, đỏ mắt sau khi khỏi bệnh là virus nhân lên trong niêm mạc mắt. Dấu hiệu thường gặp là đỏ mắt ở các phần màu trắng của mắt, có thể bị đau, cảm giác ngứa hoặc cộm, chảy nhiều nước mắt và rỉ mắt kèm nhức mắt.
“Bệnh có thể diễn biến nặng nhẹ tùy theo triệu chứng”, bác sĩ nói. Tuy nhiên, người bệnh cần đi kiểm tra sớm khi có dấu hiệu để giảm tổn thương giác mạc, suy giảm thị lực, nặng hơn có thể tổn thương đến võng mạc gây mù lòa.
Hạn chế nhìn điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử trong thời gian dài, tránh bị mỏi mắt, tổn thương võng mạc.Uống đủ nước, bổ sung các loại vitamin (A, C, E), giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
4. Khắc phục tình trạng khó thở, hụt hơi
Các bài tập thở như thở bụng, thở ngực, thở chím môi hay thực hành vật lý trị liệu là những phương pháp hiệu quả giúp cải thiện chứng khó thở hậu Covid.
Với phương pháp tập thở chím môi cần tập trung vào nhịp thở, thở chậm và thư giãn nhịp nhàng. Mím môi và hít vào bằng mũi trong hai nhịp, giữ 3-5 giây nếu không khó thở sau đó chúm môi như thổi sáo và từ từ thở ra bằng miệng trong 4 nhịp.
Tập thở bụng và tập thở ngực là hai bài tập hỗ trợ phục hồi di chứng hậu Covid-19 theo y học cổ truyền, nhằm tăng thông khí phổi.
Nếu có đàm nhớt, người bệnh có thể tập ho chủ động hoặc sử dụng bình nước có ống hút, thổi mạnh cho bình nước nổi bọt khí qua đó thải trừ đàm nhớt ra ngoài.
5. Khắc phục tình trạng giảm ham muốn tình dục
Thực hiện một số việc sau ngay tại nhà nhằm nâng cao sức khỏe thể chất nói chung và sức khỏe tình dục nói riêng, như: tập luyện thể dục thể thao điều độ hàng ngày, cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe; uống nhiều nước, ăn tăng cường các loại rau xanh, hoa quả tươi. Bổ sung chế độ ăn thịt đỏ, hải sản, trứng, sữa, giá đỗ…
Ngoài ra, bạn nên hạn chế tối đa hoặc không dùng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích; ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày.
6. Lưu ý cho bà bầu
Sau khỏi Covid-19, thai phụ cần duy trì thăm khám thai sản định kỳ, giữ tâm lý bình tĩnh, thường xuyên tập hít thở, vận động và bổ sung dinh dưỡng.
Khi mang thai, người mẹ phải nuôi một đứa trẻ trong bụng, do đó tử cung to hơn, đẩy cơ hoành lên cao và dung tích phổi giảm xuống, khiến việc hô hấp bị cản trở. Nhu cầu oxy của người mẹ trong thai kỳ cao hơn người bình thường. Thêm nữa, cơ thể bà bầu có hiện tượng giữ nước gây tình trạng phù niêm mạc đường hô hấp trên, khiến đường hô hấp trên dễ bị tổn thương. Nếu không may mắc Covid-19, nguy cơ diễn tiến nặng cao. Vì vậy, theo bác sĩ Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết: thai phụ mắc Covid-19 cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng lâm sàng, tình trạng thai nhi… để can thiệp xử trí kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Các biện pháp chính gồm: tập hít sâu và thở ra nhẹ nhàng, chậm rãi, nhịp độ tăng dần theo ngày; thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga ít nhất 30 phút mỗi ngày; bổ sung dinh dưỡng hợp lý theo tư vấn của chuyên gia giúp cơ thể mẹ nhanh hồi phục và đảm bảo dưỡng chất cho thai nhi. Đặc biệt, mẹ bầu nên sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, nghe nhạc thư giãn và nói chuyện với gia đình, bạn bè để giữ tinh thần vui vẻ, tích cực.
Phụ nữ cần tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ trước khi mang thai. Nếu đã mang thai mà chưa tiêm mũi nào thì nên tiêm ở giai đoạn từ 13 tuần thai, thực hiện tốt 5K, để ngừa nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm Covid-19. Bộ Y tế đã cho phép tiêm ngừa vaccine cho phụ nữ đang cho con bú mà không cần ngưng cho bé bú. Do đó, mẹ bầu hoàn toàn có thể tiêm ngừa vaccine ngay khi có lịch gọi tiêm.
Nguồn: VnExpress.net