Ngải cứu là một loại thực vật thuộc họ cúc, cây thân thảo, lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống lá đến tận gốc, dính vào thân như có bẹ, đầu nhọn, mặt trên màu lục sậm, mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng.
Ngải cứu là một trong những vị thuốc nam được sử dụng rất nhiều trong việc chữa bệnh. Ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng lâu đời trong dân gian và trong Đông Y.
Theo Y học cổ truyền, lá cây ngải cứu chứa nhiều chất kháng khuẩn và tinh dầu giúp giảm đau hiệu quả. Chính vì vậy mà ngải cứu là thành phần chủ yếu trong các bài thuốc dân gian được mọi người truyền tai nhau trong việc giúp thông huyết, điều kinh và giảm đau bụng kinh hiệu quả.
Ngải cứu, trứng
Ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ rồi đập trứng vào đánh lên cho đều. Sau đó đem lên bếp đảo đều rồi cho nước sôi vào nấu cùng, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Đun trên lửa nhỏ tầm 3 phút cho đến khi ngải cứu và trứng chín đều là có thể dùng được
Ngải cứu, trứng và gừng tươi
Chuẩn bị 2 quả trứng gà, một nắm ngải cứu đem rửa sạch và một củ gừng tươi. Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi với lượng nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho chín. Sau khi trứng chín, bóc vỏ cho vào đun tiếp thêm 10 phút nữa để trứng được ngấm thuốc.
Ngải cứu hấp trứng và mật ong
Lấy một lượng ngải cứu vừa đủ đem rửa sạch, thái nhỏ trộn với một quả trứng gà, một thìa cà phê mật ong, thêm gia vị vừa ăn, sau đó đem hấp cách thủy.
Lưu ý: cả 3 cách trên đều nên chọn trứng gà ta. Nên ăn nóng để có tác dụng nhanh và hiệu quả nhất, tránh để nguội gây khó ăn.
Ngải cứu là một món dễ ăn, dễ làm và không gây tác dụng phụ như một số loại thuốc tây nên rất an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, bất kì một phương pháp nào cũng vậy, không nên ăn quá nhiều trong một thời gian nhất định mà nên chia đều tần suất ăn sao cho phù hợp để đem lại hiệu quả tốt nhất.