Cuộc sống của những ngày trước, những ngày mà Cô-Vi chưa ghé thăm. Cuộc sống tuy tấp nập, ồn ào nhưng đâu đó trong sự ồn ào ấy vẫn cảm thấy bình yên.
Những ngày trước khi dịch có thể đi đâu cũng được, mua gì cũng được chứ không như bây giờ, khắp nơi đều thấy giăng dây, ngày nào cũng có thêm nhiều ca nhiễm, lệnh giãn cách vẫn tiếp tục kéo dài. Hàng quán đóng cửa, chợ truyền thống đóng cửa, đồ ăn lên giá và đâu đó trong Sài Gòn rộng lớn này có những câu chuyện không phải của riêng ai, bất chợt lao đao vì bệnh dịch.
Câu chuyện của ông Vinh cũng không ngoại lệ. Dưới cái nắng gay gắt, ông Bùi Quang Vinh (69 tuổi) ngụ tại quận Tân Phú mồ hôi nhễ nhại, cố gắng từng chút một để xin sự giúp đỡ của người đi đường. Ông Vinh trước từng làm bảo vệ, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch nên đã mất việc làm. Mắc kẹt ở Sài Gòn, ông đành phải tìm đủ mọi cách để mưu sinh.
Hiện, ông Vinh đang sống cùng vợ là bà Phan Thị Tương (51 tuổi). May mắn hơn chồng, bà Tương vẫn đang cố gắng cầm cự công việc lao công, kèm đi nhặt ve chai khi rảnh rỗi. Thu nhập của đôi vợ chồng già mỗi tháng chỉ tầm 4,5 triệu, trong đó đã chi 3 triệu tiền nhà.
Thấy cảnh vậy, ông Vinh không nỡ để vợ vất vả, bèn nghĩ ra việc chạy xe ôm. Thế nhưng, dịch bệnh cũng chẳng mấy ai đi, 3 ngày chỉ vẻn vẹn 20.000 đồng. Bất lực quá, ông đành gạt hết lòng tự trọng để đi ăn xin.
Ông Bùi Quang Vinh (69 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) ngồi ở góc đường đoạn Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu (Q.3)
“Có chết cũng chưa từng nghĩ tới việc phải ăn xin” – câu nói của ông Vinh khiến người nghe phải xót xa. Ở cái tuổi đáng nhẽ phải được an nhàn, ông lại phải đi làm cái nghề mà trước giờ chưa từng nghĩ tới.
Ông cho biết: “Là đàn ông, tôi không thể ở nhà nằm đó cho vợ một mình gồng gánh. Nhưng 3 ngày chạy xe ôm truyền thống, tôi có đúng một cuốc 20.000 đồng. Tôi lỗ tiền xăng, đường cùng rồi mới gạt lòng tự trọng qua một bên mà làm liều đi ăn xin. Có chết cũng không nghĩ một ngày mình phải ăn xin, quê lắm”.
Hay câu chuyện của chú Diên – thợ chụp hình ở khu vực Bưu Điện thành phố và nhà thờ Đức Bà. Trước khi dịch công việc của chú vốn đã khó khăn vì bây giờ ít ai còn chụp hình bằng máy chụp ảnh rồi in ra nữa mà sẽ dùng smartphone để chụp, sau khi dịch xuất hiện lại càng khó khăn hơn vì dịch mọi người không còn ra ngoài nhiều, những nơi đông đúc trước kia ngày càng vắng.
Chú Diên – thợ chụp hình ở khu vực nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố
Vẫn nhớ hoài câu nói: “được thì chụp giúp chú, chú chụp đẹp không thua gì điện thoại đâu”. Được biết chú có con cái, nhưng khó khăn nên cũng không lo cho chú, chú sống trọ 1 mình bên quận 8, đợt dịch nên được cho ở nhờ không mất tiền. Tài sản của chú hiện giờ chỉ có cái máy ảnh và xe dream cũ. Chú chụp chỉ 20.000/ tấm, lấy góc và nước hình khá đẹp, in ngay tại chỗ. Chú nói đang tính bán xe máy để trả tiền dụng cụ in hình, một ngày chụp không đủ vốn, chú còn nợ người ta bảy triệu, bình thường đã ít người chụp, nay dịch một ngày có lác đác một, hai người đi qua, nhiều hôm còn không đủ tiền ăn.
Mỗi người ai cũng đều có những công việc, cuộc sống và những câu chuyện của riêng mình cùng với những khó khăn khi bất chợt dịch ấp đến. Thời gian này nếu ai vẫn còn có công việc ổn định thì hãy cảm thấy may mắn và biết ơn vì mình vẫn còn được làm việc, vẫn còn có khoản tiền lương để chi tiêu trong thời gian khó khăn như thế này vì ngoài kia có biết bao nhiêu người chỉ vì dịch mà mất đi công việc của mình.