Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore nên muốn phòng bệnh, bạn cần lưu ý các điều sau.
Whitmore (hay còn gọi là Melioidosis) là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Ca bệnh Whitmore đầu tiên là vào năm 1911, được phát hiện tại Burma, Myanmar bởi nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore (đó là lý do vì sao tên bệnh được gọi là Whitmore). Và ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Việt Nam là tại Viện Pasteur, Hồ Chí Minh vào năm 1925. Do căn bệnh Whitmore hiếm gặp nên mức độ nguy hiểm của bệnh càng tăng bởi hầu như ít ai có ý thức phòng ngừa loại vi khuẩn nguy hiểm này.
Việt Nam nằm trong vùng bệnh Whitmore của thế giới
Whitmore là bệnh vùng, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và phía Bắc Australia. Đặc biệt, vùng Đông Bắc Thái Lan (gần với miền Trung Việt Nam) được coi là tâm điểm của dịch bệnh. Trên thế giới, hầu hết các trường hợp mắc bệnh Whitmore đã được báo cáo là ở Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam và miền bắc Australia. Tỉ lệ mắc bệnh Whitmore ở Singapore được báo cáo là 13 người/1 triệu dân.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh Whitmore?
Mặc dù bệnh Whitmore có thể tấn công người hoàn toàn khỏe mạnh, tuy nhiên đối tượng dễ mắc căn bệnh này được các chuyên gia liệt kê như sau:
– Người có hệ thống miễn dịch suy yếu
– Người mắc các bệnh mãn tính như ung thư, phổi, bệnh gan, tiểu đường, bệnh thận và cả HIV.
Nguyên nhân gây ra bệnh Melioidosis?
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore được tìm thấy trong nước và đất. Do đó, các con đường nhiễm bệnh thường là 3 trường hợp sau:
-Hít phải bụi bẩn có chứa vi khuẩn.
-Ăn thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn.
– Tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt qua các vết trầy xước trên da.
Whitmore ủ bệnh trong bao lâu?
Thời gian ủ bệnh kể từ khi tiếp xúc với vi khuẩn đến khi xuất hiện triệu chứng thường là từ 1 – 21 ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người mắc bệnh không hề có triệu chứng cho đến khi phát bệnh rõ rệt.
Bệnh Whitmore có lây từ người sang người không?
Đến thời điểm hiện tại, y học chưa ghi nhận được trường hợp nào lây nhiễm bệnh Whitmore từ người sang người. Theo các chuyên gia thì đây không phải là bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, côn trùng cũng không là tác nhân truyền bệnh. Do đó, yếu tố nguy cơ gây bệnh duy nhất là bản thân bệnh nhân tiếp xúc với vi khuẩn lẫn trong đất hoặc nước bẩn.
Dấu hiệu mắc bệnh Whitmore
Bệnh Whitmore có rất nhiều triệu chứng và dấu hiệu khác nhau nên rất khó để chẩn đoán bệnh. Thông thường các dấu hiệu đó như sau:
– Nếu Whitmore gây nhiễm trùng cục bộ ở một bộ phận của cơ thể thì dấu hiệu thường gặp bao gồm sưng, đau và sốt. Sau đó, vết thương sẽ bị loét hoặc áp xe ngày càng nghiêm trọng.
– Nếu Whitmore gây nhiễm trùng phổi thì các triệu chứng bao gồm ho và đau ngực, ngoài ra có khi bạn bị sốt, chán ăn và đau đầu.
– Nếu Whitmore gây nhiễm trùng máu, có thể có các dấu hiệu như sốt cao, đau đầu, khó thở, đau khớp và đau bụng.
– Nếu Whitmore gây nhiễm trùng lan rộng thì dấu hiệu đặc trưng sẽ là sốt, đau ngực, đau bụng, đau đầu, co giật và đau cơ khớp.
Muốn phòng bệnh Whitmore, bạn cần lưu ý gì?
Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore nên muốn phòng bệnh, bạn cần lưu ý các điều sau:
– Khi làm việc trong môi trường có tiếp xúc với đất hoặc nước, bạn nhớ mang ủng và găng tay bảo vệ.
– Tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm nếu bạn đang có vết thương hở hoặc bệnh tiểu đường, thận mãn tính.
– Nhớ mang khẩu trang khi tiếp xúc với khu vực có không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn.
– Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến thức ăn, đặc biệt đừng quên khử trùng dao sau khi cắt thịt cá sống.
– Nếu bạn có thói quen uống các sản phẩm sữa tươi, hãy chắc chắn rằng chúng đã được tiệt trùng.
– Nếu cơ thể có vết thương hở, nhớ lưu ý băng bó, che chắn cẩn thận để hạn chế nguy cơ vết thương tiếp xúc với vi khuẩn.
Nguồn: Kenh14