Nhà sản xuất “Hậu Cung Như Ý Truyện” đã mạnh tay đầu tư từ phục trang, bối cảnh, diễn viên quần chúng để tái hiện một màn phong hậu cho Nhàn Phi đúng với lịch sử.
Sau bao nhiêu ngày mòn mỏi xem Hậu Cung Như Ý Truyện và chờ đợi, cuối cùng Nhàn phi Như Ý đã được sắc phong làm Kế hoàng hậu. Phân cảnh đại điển sách lập Hoàng Quý phi Ô Lạt Na Lạp Như Ý thành Đại Thanh Hoàng hậu đã khiến khán giả choáng ngợp bởi sự mạnh tay của các nhà làm phim.
Đúng với tinh thần biếnHậu Cung Như Ý Truyện trở thành bom tấn cổ trang với chi phí sản xuất lên đến 43 triệu USD, tất cả nghi lễ cung đình trong phim đều được các chuyên gia phục dựng như thật trên phim, bất chấp tốn kém thế nào.
Hiện tại, số lượng lượt xem Hậu Cung Như Ý Truyện đã lên tới 7 tỷ lượt. Những khán giả khó tính nhất cũng dần dần bị chinh phục vì sự đầu tư nghiêm túc của phim.
Trang phục hoàng hậu của Như Ý được tái hiện từ sử sách
Để có được những hình ảnh về trang phục hoàng hậu triều Thanh đúng với lịch sử, đạo diễn Uông Tuấn đã thiết kế quần áo cho Như Ý (Châu Tấn) dựa vào những bộ sưu tập tại Bảo tàng cung điện Bắc Kinh.
Từ tranh chân dung của hoàng hậu Đại Thanh được lưu tại bảo tàng, khán giả có thể thấy trang phục Như Ý mặc trong lễ phong hậu có những chi tiết nhỏ được phục dựng giống hệt như trong lịch sử.
Theo sách Khâm định Đại Thanh hội điển sự lệ ghi chép lại, một bộ lễ phục cơ bản của hậu phi bao gồm: Triều quan, Kim ước, Nhị, Lãnh ước, Triều châu, Thải thuế, Triều quái, Triều bào, Triều váy, cùng Triều ủng, tất cả mười loại tạo thành. Chủ yếu quần áo từ ngoài vào trong, phân biệt là: Triều quái (áo khoác ngoài), Triều bào (áo mặc trong) và Triều váy (quần đi với triều bào). Hoàng thái hậu và Hoàng hậu đều giống nhau.
Ngoài ra, từng chi tiết nhỏ trên trang phục của Như Ý cũng khiến truyền thông chú ý. Nhà sản xuất phim đã mạnh tay đầu tư bộ lễ phục với các chi tiết xa hoa được làm từ ngọc trai, ngọc mắt mèo và vàng. Tờ Bazaar phiên bản Trung đã nhận xét, trang phục của Kế hoàng hậu trong Như Ý truyện đã đi đến một đẳng cấp mới.
Tranh chân dung hoàng hậu triều Thanh và trang phục của Châu Tấn trong phim.
Từ triều quan (mũ) của hoàng hậu đã được thể hiện bằng những chi tiết bắt mắt. Phần trên được thiết kế với 3 tầng, 3 viên ngọc trai to được gắn từng tầng và 17 viên ngọc trai nhỏ khác được gắn rải rác xung quanh. Triều quan được thiết kế cầu kỳ, chi tiết nhưng sử dụng ngọc trai để trang trí đã khiến hoàng hậu vừa uy nghi nhưng vẫn thanh lịch.
Trung tâm của chiếc mũ miện được trang trí bằng 7 con phượng hoàng vàng quây xung quanh, tô điểm thêm đá mắt mèo và ngọc trai. Với 21 viên ngọc trai nhỏ được cài khéo léo trên mũ thì dù đứng ở xa hay gần vẫn có thể thấy độ lấp lánh của triều quan này.
Phía sau mũ được trang trí bằng vàng miếng khảm 16 viên ngọc trai cùng 5 dây ngọc trai kéo dài. Tổng số ngọc trai dùng cho chiếc mũ này là 302 hạt. Kích thước của các viên ngọc trai cũng được lựa chọn khéo léo, phù hợp với từng chi tiết trên mũ, kết hợp hài hòa với phục trang ở dưới.
Phần áo ngoài của Như Ý được làm với satin đen, thêu rồng vàng cùng các hoa văn tím, đỏ, tạo thần thái sang trọng của hoàng hậu.
Phân cảnh được quay hoành tráng với 1000 diễn viên quần chúng
Không chỉ có trang phục của hoàng hậu trong Hậu Cung Như Ý Truyện được phục dựng nguyên mẫu từ lịch sử, cả lễ phong hậu này cũng được tái hiện vô cùng hoành tráng. Các nhà làm phim đã không tiếc công với đại cảnh có sự tham gia của 1.000 diễn viên quần chúng.
Như Ý được tuyên đọc chiếu chỉ lập hậu ở cung của mình, trao kim sách và phượng ấn. 4 cung nữ hầu hạ hoàng hậu thay trang phục. Sau đó, nàng được trải thảm hoa từ Đại Thanh môn, qua Thiên An môn cho đến Hậu cung. Hoàng hậu là người duy nhất được hưởng đặc quyền này.
Hoàng thượng sẽ đón Hoàng hậu tại điện Thái Hoà, phía dưới là các quan lại tiền triều, phi tần hậu cung và các mệnh phụ, quý tộc cũng được triệu vào cung để nghênh đón hoàng hậu mới. Trong phim, riêng phân cảnh Như Ý được rước từ Đại Thanh môn với sự nghênh đón của quần thần đã mất đến 10 phút.
Để thực hiện cảnh phim này, một phần điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành đã được trang trí lại. Các diễn viên quần chúng được thuê vào vai quần thần phía dưới. Từ những phi tần của Càn Long đến các diễn viên quần chúng, tất cả đều mặc triều phục trang trọng nhất cho một cảnh phim này.
Những góc quay rộng đã được dùng để thể hiện sự hoành tráng của phim. Đây cũng không phải lần đầu tiên Hậu Cung Như Ý Truyện đầu tư cho những cảnh phim đậm chất lịch sử như thế này. Ngay những tập đầu tiên của phim, tang lễ của Ung Chính cũng được tái hiện chân thực nhất trên màn ảnh. Các phi tần khác của Càn Long được sắc phong cũng đều được xuất hiện trên phim, thay vì chỉ truyền thánh chỉ như trong các phim cung đấu khác.