Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (Hay còn gọi là Quốc Giỗ) là một ngày lễ của Việt Nam – ngày mà các người con Việt Nam trên khắp cả nước và nước ngoài tưởng nhớ về cội nguồn của mình, ngày ghi nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Hình tượng Vua Hùng được khắc họa qua nét vẽ của họa sỹ – Nguồn: Internet
Ngày lễ truyền thống được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ chính được tổ chức ở đền Hùng, Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ.
Đền thờ Vua Hùng tại Phú Thọ – Nguồn: Internet
Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội:
Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương.
Nguồn: Internet
Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.
Phần hội có nhiều trò chơi dân gian. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
Tranh vẽ mô tả cuộc sống dưới thời Vua Hùng – Nguồn: Internet
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm