Có lẽ là vì so với những ác nữ khác chốn hậu cung, Cao Hi Nguyệt là một người ác… không tới nơi tới chốn.
Hậu Cung Như Ý Truyện đã đi gần hết 1/3 chặng đường. Các “ác nữ” tranh sủng, mưu đoạt quyền lực cũng đã lên sàn hết cũng như lần lượt “nhận cơm hộp” hết vai diễn. Nhưng không có ai ác mà khán giả lại khó lòng ghét bỏ được như Tuệ Quý Phi – Cao Hi Nguyệt (Đồng Dao).
Thuộc nhóm phản diện ngay từ đầu, Cao Hi Nguyệt ủng hộ Hiếu Hiền Hoàng hậu – Phú Sát Lang Hoa (Đổng Khiết), công khai chống đối Như Ý (Châu Tấn) và nhiều lần bắt nạt Hải Lan (Trương Quân Ninh). Tính cách của Cao Hi Nguyệt cũng đanh đá, nóng nảy, thêm phần kiêu ngạo vì có gia thế chống lưng. Cùng với Gia Quý Phi – Kim Ngọc Nghiên (Tân Chỉ Lôi) giật dây đằng sau, Cao Hi Nguyệt cũng không ít lần nhúng chàm, đẩy Như Ý vào thế khó, như hợp sức với Kim Ngọc Nghiên giam được Như Ý vào lãnh cung. Thế nhưng khán giả lại không ghét bỏ Cao Hi Nguyệt, ngược lại còn cảm thấy nàng khá dễ thương và thương cảm khi nàng qua đời. Có lẽ là vì Cao Hi Nguyệt toàn ác… không tới nơi tới chốn.
Khi Càn Long còn là hoàng tử Hoằng Lịch, chưa lên ngôi hoàng đế, trong buổi tuyển chọn phúc tấn, ba cô gái nổi bật nhất là Phú Sát Lang Hoa, Cao Hi Nguyệt và Như Ý. Trong số đó, Phú Sát Lang Hoa có gia thế danh giá, còn Cao Hi Nguyệt cũng có cha làm quan lớn lập nhiều công trạng. Chỉ có Như Ý mất đi chỗ dựa gia đình, cái danh Ô Lạt Na Lạp còn là mối nghi ngại. Chính vì thế, dù Hoằng Lịch rất muốn chọn Như Ý làm đích phúc tấn (vợ cả), nhưng cuối cùng chỉ có thể chọn Phú Sát Lang Hoa. Cao Hi Nguyệt và Như Ý làm trắc phúc tấn (thê thiếp), gả vào phủ sau Phú Sát Lang Hoa. Ngày thành hôn, Hoằng Lịch chỉ sang phòng của Như Ý mà không qua phòng Cao Hi Nguyệt, nhưng nàng cũng rất vui vẻ thay vì làm ầm ĩ.
Cao Hi Nguyệt ỷ vào gia thế và sự sủng ái của Càn Long mà tính tình kiêu ngạo, hống hách. Nhưng miệng lưỡi của Cao Hi Nguyệt nào “có gang có thép” được như Mai Tần – Bạch Nhị Cơ (Hà Hoằng San). Đường đường là “Hoàng Quý Phi”, chức vị cao hơn “Tần” nhiều, nhưng Cao Hi Nguyệt năm lần bốn lượt bị Bạch Nhị Cơ nói xiên nói xỏ thì không đối đáp lại được. Khi Bạch Nhị Cơ mới vào cung, mới chỉ là “Đáp ứng”, còn chưa được lên “Tần”, nhưng đã dám mỉa mai Cao Hi Nguyệt là… đã già rồi. Nàng chỉ có thể hả giận bằng cách trực diện là sai người tát Bạch Nhị Cơ vì tội hỗn hào.
Các mưu kế mà Cao Hi Nguyệt tự mình bày ra đa số đều… nông cạn, nên khả năng thành công của chúng cũng… nông nổi. Bị Gia Quý Phi lợi dụng giật dây, Cao Hi Nguyệt đổ tội cho Hải Lan ăn cắp than sưởi khiến mình bị cảm lạnh. Nhưng vẫn là không tính toán đến nơi đến chốn, “bẫy” đầy các sơ hở, nên Như Ý dễ dàng đến giải cứu và minh oan cho Hải Lan. Cuối cùng còn để Như Ý mang được Hải Lan về cung sống với mình, Cao Hi Nguyệt không còn ai để bắt nạt. Không giống Gia Quý Phi, khi Kim Ngọc Nghiên giữ Vệ Yến Uyển trong cung để hành hạ, Như Ý nhiều lần muốn cứu nhưng không thể vì “Nhân sâm nương nương” Gia tần không để lộ chút sơ hở nào.
Cao Hi Nguyệt không phải là cô gái hiền lành bị ép buộc phải ác, bị hắc hóa, đúng thật là tính cách của nàng vốn đã là người kiêu ngạo và hống hách. Nhưng những lần mà Cao Hi Nguyệt “nhúng chàm” đều là do Phú Sát Hoàng Hậu và Gia Quý Phi “bơm đểu”, thúc giục. Không giống Phú Sát Lang Hoa, làm những việc nhẫn tâm vẫn cho rằng mình thanh bạch; cũng không giống Kim Ngọc Nghiên, làm những việc không trong sạch mặt vẫn không biến sắc; Cao Hi Nguyệt làm chuyện ác xong thì… hoảng sợ. Nàng nhìn mình trong gương rồi sợ hãi hỏi cung nữ thân cận nhất, vì sao nàng lại trở thành như vậy? Cũng vì tâm lý yếu, Cao Hi Nguyệt khi bị Như Ý dọa hồn ma A Nhược về báo oán đã sợ đến ngã bệnh.
Có lẽ Cao Hi Nguyệt không phải là cô gái hiền lành, nhưng cũng không phải là người độc ác. Có lẽ Cao Hi Nguyệt chỉ kiêu ngạo và hống hách, vì nàng có đủ mọi thứ để mà có quyền lên mặt. Ban đầu, nàng hống hách với người này, bắt nạt với người kia, vì nghĩ rằng họ động chạm đến tự tôn của một “Hoàng Quý Phi” như nàng, chứ chưa có ý nghĩ sẽ dồn họ vào đường chết bằng thủ đoạn sau lưng. Về sau, nhiều oán giận tích tụ, nhiều lời rỉ tai, thêm nỗi bất mãn vì mãi chẳng thể có con, Cao Hi Nguyệt dần trở nên độc đoán hơn.
Cao Hi Nguyệt không có mưu đồ ngôi vị hoàng hậu, nàng chỉ cần yên vị ở vị thế “Hoàng Quý Phi”, một lòng ủng hộ Phú Sát Lang Hoa. Tất cả những gì Cao Hi Nguyệt mong mỏi là một đứa con. Khi có phi tần nào đó mang thai, những phi tần khác người thì suy đoán đó sẽ là công chúa hay hoàng tử, người thì bắt đầu tính kế hại mẹ hại con, riêng Cao Hi Nguyệt về cung độn gối… giả bầu. Thế nhưng Cao Hi Nguyệt không thể có con vì bị Phú Sát Lang Hoa cho đeo vòng tay chứa hạt linh lăng ngay từ ngày gả cho Hoằng Lịch. Cơ thể của Cao Hi Nguyệt cũng dần yếu đi, đặc biệt là vào mùa lạnh, vì Thái hậu lén cho thái y điều chỉnh thuốc trị bệnh của nàng, tưởng là chữa bệnh nhưng hóa ra là làm nàng yếu hơn.
Cao Hi Nguyệt là một cô gái dám yêu dám hận. Dù đỏng đảnh, hay vòi vĩnh, nhưng Cao Hi Nguyệt thực lòng yêu thương Càn Long. Hiểu lầm Càn Long là người ra lệnh cho Tề thái y càng chữa càng làm mình bệnh thêm, Cao Hi Nguyệt quyết tâm… trả thù. Nàng mời hoàng đế đến và mời người ngồi trên chiếc nệm đã được dùng bởi một cung nữ chết vì bệnh đậu mùa. Cao Hi Nguyệt nghĩ nếu Càn Long thực sự hại nàng, bệnh đậu mùa sẽ lấy mạng hoàng đế. Nếu Càn Long không hại nàng, thì để bệnh đậu mùa khiến hoàng đế ngứa ngáy khổ sở một phen. Ngay cả cách trả đũa cuối cùng của Cao Hi Nguyệt cũng khiến khán giả vừa thấy đáng yêu, vừa thấy thương cảm.
Một đời sủng ái, Cao Hi Nguyệt lại ra đi trong cô độc và những gì mình tin tưởng đều sụp đổ. Ghét nhất mùa Đông và sợ bị lạnh, Cao Hi Nguyệt lại gục ngã trên nền tuyết trắng. Thay vì hả hê khi một ác nữ phải trả giá cho những gì mình đã gây ra, khán giả lại thương cảm cho Cao Hi Nguyệt nhiều hơn. Có lẽ nếu có một đứa con, có lẽ nếu Cao Hi Nguyệt tỉnh táo và sắc bén hơn một chút để nhận ra ai là bạn ai là thù, không dễ bị giật dây, có lẽ cuộc đời nàng đã không “nhúng chàm” và hạnh phúc hơn.
Đón xem những tập tiếp theo của Hậu Cung Như Ý Truyện phát sóng lúc 20:00 trên SCTV Phim Tổng Hợp