Ngày TẾT, ngày mà ai ai cũng nô nức về thăm GIA ĐÌNH, thăm họ hàng, cúng Gia Tiên và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới an lành.
Dịp TẾT cũng được coi là “mùa” của những lễ hội. Sau ba ngày tết dành trọn vẹn cho gia đình, những ngày xuân hầu hết các địa phương đều tổ chức lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, các trò chơi dân gian là không thể thiếu trong mùa lễ hội, ngoài tạo không khí vui tươi, sôi động, các trò chơi dân gian còn giúp người chơi thêm đoàn kết và rèn luyện sức khỏe.
1. Ném còn
Ném còn là một trò chơi dân gian Việt Nam phổ biến trong các dịp lễ hội đầu năm của các dân tộc Tày, Thái, Mường,… chủ yếu ở vùng Tây Bắc nước ta. Ý nghĩa của trò chơi là cầu mong mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở và cầu mong giao hòa âm dương, đất trời.
Trò chơi gồm một cây cọc thẳng lớn có chiều cao từ 10 đến 15 m và có gắn một vòng tròn lớn, đặt ở một sân bãi rộng rãi. Quả còn (trái còn) làm bằng vải nhiều màu chứa hạt bông,thóc (lúa) hoặc cát, dây lược gắn với quả còn dài 50 – 60 cm. Người chơi đứng cách cây cọc một khoảng cách tương đối, sau đó cầm dây lược ném quả còn làm sao cho quả bay qua vòng tròn trên cây cọc là chiến thắng
2. Ô ăn quan
Ô ăn quan, hay còn gọi tắt là ăn quan hoặc ô quan là một trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam. Đây là trò chơi có tính chất chiến thuật thường dành cho hai người chơi trở lên và có thể sử dụng các vật liệu đa dạng, dễ kiếm để chuẩn bị cho trò chơi.
3. Chơi đánh đu
Trên một khoảnh đất rộng, sáu hay tám cây tre dài được chôn sâu đủ vững chắc để chịu được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính. Hai cây tre làm cần đu nhỏ, vừa tay cầm được treo ở chính giữa. Lên đu có thể là một hay hai người. Càng nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên nọ sang bên kia, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Ở nhiều nơi, người ta còn treo phần thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải.
4.Đi cà kheo
Người ta dùng 2 cây tre, trên đó cột hai cái khấc cũng bằng tre làm bàn đạp để đứng lên đó đi thay chân. Để đi được trên cà kheo, đòi hỏi người sử dụng phải có một sự khéo léo nhất định. Ngày nay cà kheo thường được sử dụng như một môn thi trong những ngày lễ hội.
5. Đấu vật
Đấu vật là môn thể thao tác chiến giữa hai đối thủ cố gắng kềm chế đối phương bằng cách nắm, kéo, vặn, đè,… nhưng không được trực tiếp đấm hay đá. Tùy theo luật lệ của từng địa phương, bàn thắng về tay người dự giải nào chiếm được nhiều ưu điểm: bằng các đè ngửa đối phương, hoặc đối phương chịu thua hay bị đẩy ra ngoài vòng thi đấu.
6. Kéo co
Kéo co hay kéo dây là một môn thể thao và là một trò chơi dân gian thông dụng và đơn giản trên thế giới hiện nay. Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Kéo co không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở nước ta, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội truyền thống.
Ảnh: Sưu tầm