Một câu hỏi chưa có lời giải và chỉ cách đây vài tháng thôi, nó đã là câu chuyện gây nên cuộc “tranh đấu” nảy lửa trên mạng xã hội lẫn những buổi “trà chanh chém gió” về phong cách sống của hội chị em suốt nhiều năm nay.
“Áo bà ba rất đẹp, nhưng mày mặc bộ đồ bông, đội nón lá, đi chân đất tao mới thấy quen à nghen”
Chuyện đầu tiên tôi muốn kể chắc là chuyện về má tôi – dù là một người phụ nữ được sinh ra tại Sài Gòn vào những năm cuối 1969 thế nhưng gốc gác, “rễ rạc” của má và bên ngoại lẫn nội lại là ở miền Tây với bà con, dòng họ trải dài từ Sa Đéc về Sóc Trăng cho tới Cần Thơ. Nên nói gì thì nói, má tôi cũng được xem là người con “ruột rà” của vùng sông nước, được lưu giữ và truyền từ cách dạy dỗ, lối sống của ông bà để lại cho cả gia đình.
Cho đến hiện tại, dù cả nhà tôi đã sống ở Sài Gòn hơn 50 năm nhưng mọi cái thói quen như ăn cơm với chuối với xoài, nấu nướng cái gì cũng ngòn ngọt, hay sống thật thà chan chứa tình làng nghĩa xóm,… y hệt cái tính cái nết của người miền Tây. Đặc biệt là tất cả phụ nữ trong gia đình tôi mỗi khi ở nhà vẫn cực kỳ mê mấy bộ đồ bộ thun lạnh được “truyền” từ bao đời mà đến nay chưa một lần thay đổi.
Đây là những người phụ nữ ở Cần Thơ dù là buôn bán hay nội trợ cũng đều mặc đồ bộ mà thôi.
Chắc bạn sẽ muốn hỏi ngay lúc này rằng tại sao tôi lại nói mặc đồ bộ là nét văn hóa của người miền Tây mà không phải là bà ba đúng không?
Thú thật là tôi cũng không biết phải trả lời chính xác với các bạn như thế nào… Dù biết rằng từ bao đời nay trong văn chương, thơ ca hay cả trên phim ảnh, truyền hình thì cứ nhắc về miền Tây sông nước là thấy người ta khắc họa hình ảnh người phụ nữ mặc áo bà ba, đội nón lá chèo xuồng ngân nga câu hò mùi mẫn và đẹp làm sao. Nhưng ở đời thật, hình ảnh ấy đối với tôi lại quá đỗi xa lạ các bạn ạ…
Nói chi cho xa, tôi thật sự chưa bao giờ thấy các cô ở quê mặc bà ba ra ruộng cấy lúa, hay mặc bà ba ra ao bắt cá cả. Thay vào đó tôi chỉ thấy họ thường xắn ống quần thun lên tới bắp đùi để ra ao rửa chén, leo lên đọt cây mấy chục thước để bẻ dừa, ra chợ hay đi cà phê, ra tiệm nail gội đầu,… Tất cả đều là trong hình ảnh của những bộ đồ thun lạnh đầy hoa, đầy lá sặc sỡ với chiếc nón lá che nắng che mưa.
Các em nhỏ, các cô gái đôi mươi hay những người mẹ tảo tần cũng chỉ thích mặc đồ bộ mà thôi.
Nói thế không phải là tôi đang phủ nhận hoặc cố tình làm phai mờ hình ảnh chiếc áo bà ba. Chẳng qua cuộc sống có vẻ đã thay đổi rất nhiều, hiện tại lắm lúc cũng đã khác với xưa. Trong khi những người con thuộc thế hệ đi sau như tôi đây sẽ cảm thấy gần gũi, thân thuộc với điều mà nó được nhìn thấy, được tiếp cận mỗi ngày là điều hoàn toàn rất đỗi tự nhiên.
Thậm chí đã có lần tôi hỏi mấy dì ở dưới quê rằng: “Sao nay đám giỗ, khách khứa nhiều mà mấy cô hõng thay cái quần Tây hay áo sơ mi gì đó mặc cho đẹp đặng còn ra tiếp khách?”
Thì mấy cô xúm xít, trả lời sa sả chứ: “Trời ơi tao mặc vầy cho thoải mái bây ơi. Mần gà, mần vịt đầy ra đó, quện bộ đồ Tây, đồ ơ vô là tao khỏi mần gì ráo trọi. Mày giỏi thì lên tiếp khách dùm mấy cô đi, công chiện đăng đăng đê đê ra này!”.
Và cũng ngay sau lần đó tôi chẳng bao giờ muốn hay dám hỏi lại vấn đề này. Bởi với họ, những bộ đồ kia mặc không phải là để sao cho mốt, cho sành điệu “như bọn trẻ tụi bây”, mà quan trọng là phải tiện, làm gì cũng dễ và nhất là lại còn… rẻ. Riết rồi nó dần “ngấm” vào máu, vào đời sống hằng ngày của người miền Tây lúc nào không hay. Hết má rồi tới con, mặc từ hồi nhỏ mới lọt lòng cho tới khi đi học.
Mấy đứa con nít trong xóm quê tôi hồi xưa cũng toàn mặc đồ bộ tới trường thôi chứ đâu. Có mấy bộ mặc đi mặc lại hoài, tới khi cái lưng thun bị giãn thì lại mang ra tiệm thay thun là y như mới.
Còn ai có em nhỏ thì chính những bộ đồ bông tưởng như chẳng có tý giá trị nào lại lại là thứ bọn tôi phải gìn giữ để khi em lớn có thể mặc tiếp cho tía má đỡ tốn tiền.
“Người ta giờ chê đồ bộ dữ quá bây ơi”
Kể ra đồ bộ cũng duyên dáng, mộc mạc và “đời” lắm chứ chẳng đùa.
Đến tận thời điểm hiện tại, đồ bộ vẫn là thứ nuôi sống rất nhiều thế hệ, những người làm nghề may vá, buôn bán ở khắp các ngôi chợ trải dài từ miền Tây lên tới Sài Gòn. Nó còn là thứ song hành, chứng kiến dòng đời của các bà, các mẹ và cả thế hệ trẻ ngày nay với biết bao ký ức ngọt ngào.
Thế mà chẳng hiểu sao mà vài năm trở lại đây, đồ bộ bỗng trở thành một thứ quá đỗi “quê mùa”, “kém sành điệu”, cứ mặc nó là thấy “phèn rồi đó”!?
Đây là một câu chuyện rất dài mà tôi nghĩ bắt đầu “nguồn cơn” lớn nhất vẫn là sự cách biệt thế hệ và sự thay đổi của thời cuộc.
Ngày xưa quần áo chỉ là thứ có để mặc, để ấm cho mùa lạnh, thoáng cho mùa khô chứ làm gì có khái niệm là thời trang, là mốt!?
Họ chê chứ: “Giờ ai mà mặc mấy bộ đồ thun ấy đâu? Phụ nữ thời này phải giỏi việc nhà, đảm chuyện nước. Ở nhà thôi cũng phải nghĩ tới việc làm sao cho bản thân hấp dẫn để còn giữ chồng. Nên mặc đồ bộ chẳng thấy lịch sự, quyến rũ cái chi”. Thế là dần dần người ta thay bằng những bộ pijama hay váy hoa, váy lụa đắt tiền “cho sang”, “cho đúng hình mẫu phụ nữ hiện đại”…!?.
Theo tôi chọn cái nào cũng có ưu điểm và nhược điểm của nó. Chưa kể mặc gì còn là quyền tự do mỗi người nên chẳng thể nào cho một cái kết là ai đúng ai sai. Chỉ có điều chạnh lòng thay, lắm lúc những điều mà ta cứ nghĩ là tốt, lại không phải là thứ mà người khác cần. Thứ mà ta cho là cần thay đổi, lại là thứ vô cùng quý giá mà họ không muốn ai đụng đến.
Điển hình như lần xôn xao khắp mạng xã hội cách đây vài tháng, về 4 vị khách mời nữ nổi tiếng có những lời chê bai hình ảnh người phụ nữ mặc đồ bộ trên sóng truyền hình. Để rồi sau đó là trận tranh đấu, thậm chí nhiều người còn lên tiếng tẩy chay các vị khách mời xuất hiện trong tập phát sóng này, khiến nhà sản xuất phải xóa video trên mạng xã hội.
Trong cuộc sống này chúng ta có thể chấp nhận sự tồn tại giữa khái niệm sang và không sang, hiện đại hay không hiện đại, nhưng nó không có nghĩa là chúng ta được quyền xem thường nhau và hủy bỏ những giá trị tinh thần, tâm hồn của người khác.
“Mẹ tôi là một thợ may và bà năm nay đã hơn 60 tuổi. Hồi đó cả xóm tôi cứ mỗi lần muốn may đồ may đạc là qua mẹ tôi đặt hết và cũng chính những bộ đồ bộ này mà mẹ tôi có tiền lo cho tôi ăn học, chăm sóc gia đình. Tuy nhiên không vì thế mà tôi ra sức bênh vực chúng. Bởi tôi biết thời bây giờ khác xưa nhiều, ngoại hình, trang phục mặc lên người không chỉ cho mình mà còn là sự tôn trọng những người xung quanh. Thế mặc đồ bộ khi ở nhà, đi chợ mua ít rau, đi mua hàng gần nhà thì có gì là quá đáng?
Bây giờ lớn, bản thân có công việc với mức thu nhập tốt hơn nghề may của mẹ. Tôi thừa sức sắm cho mình những bộ váy ngắn sexy, gợi cảm cho thời trang, nhưng tôi vẫn cứ thích chúng thì đã làm sao.” – Minh Hà (quận 4, Sài Gòn) chia sẻ.
Hình ảnh vẫn không thể thiếu trong các ngôi chợ ngày nay
Cho đến bây giờ dù là ở miền Tây hay Sài Gòn thì trong bất cứ ngôi chợ nào cũng có một sạp bán hoặc may đồ bộ tại chỗ. Có thể bạn không biết chứ họ đều là những tay thợ may lâu năm, lành nghề chuyên phục vụ cho những chị em quanh khu vực. Họ vẫn luôn tìm tòi, nghiên cứu xem mỗi năm có loại vải nào mới, kiểu nào mốt rồi may sẵn để đó bán dần cho khách hoặc làm theo yêu cầu.
“Bây giờ đồ bộ nhìn chung thì cũng giống với ngày xưa, nhưng màu vải, hình dáng trên vải đã đa dạng và khác xưa rất nhiều. Trong ký ức của tôi hồi nhỏ đi chợ với mẹ hay thấy mấy sạp đồ bộ treo lủng lẳng khắp nơi rồi la mời chào “15k/bộ quẹo lựa chị ơi, quẹo lựa 15k/bộ mấy chị mấy em ơi”. Nghĩ lại mà thấy vui làm sao.
Còn giờ thì đắt hơn rất nhiều, một bộ có khi giá mấy trăm nghìn nếu chất vải tốt, mẫu mã phức tạp chứ không phải đùa.
Cũng có người thích mặc đồ bộ nhưng muốn kiểu dáng đơn giản hơn hoặc may giống mấy bộ Pijama ấy. Đa phần họ không thích có bèo hay ren trên áo như ngày xưa vì không còn hợp thời” – Chị Huệ chủ tiệm may tại chợ Cây Gõ (Sài Gòn).
Theo Afamily