Mụn, thâm, nám hay tàn nhang là những vấn đề thường xuyên xuất hiện ở da mặt và rất khó để trị. Nhìn sơ qua thì những vấn đề này có vẻ giống nhau nhưng sự thật thì không phải vậy. Mỗi người trên mỗi một làn da khác nhau đều sẽ có những mức độ tổn thương khác nhau, điều bạn cần chính là hiểu làn da của mình và đưa ra những liệu trình phù hợp để cải thiện nó.
Để nhận biết mức độ tổn thương của da dựa trên 2 yếu tố cơ bản:
Sắc tố da
Sắc tố da được quy định chủ yếu bởi melanin – yếu tố quyết định chính của da, tóc và màu mắt của chúng ta. Melanin được sản xuất trong các melanosome bởi các tế bào hắc tố từ một quá trình phức tạp được gọi là quá trình hình thành hắc tố. Tế bào hắc tố tương tác với các hệ thống nội tiết, miễn dịch, viêm và thần kinh trung ương, và hoạt động của chúng cũng được điều chỉnh bởi các yếu tố bên ngoài như bức xạ tia cực tím và thuốc.
Thông qua một hiệu ứng tên là Tydall – phản ánh tổn thương về sắc tố da. Chúng ta có thể nhận biết được các mức độ tổn thương được mô tả qua hình bên dưới:
– Màu đen: là mức nhẹ nhất , chỉ nằm ở thượng bì, tổn thương lúc này khá dễ giải quyết.
– Nâu đen: vẫn nằm ở thượng bì nhưng sâu hơn sắc tố đen.
– Màu nâu: có thể đã chạm màng đáy thậm chí là đi qua màng đáy. Màng đáy hiểu đơn giản đây là một “người gác cổng chuyên nghiệp”, thuộc về hàng rào bảo vệ da thứ 2 của chúng ta, giúp ngăn những tác nhân ngoại lai từ bên ngoài đi sâu vào bên trong da. Và cũng là nơi xác định mức độ tổn thương. Những tổn thương đi qua màng đáy thường phải mất nhiều thời gian và rất khó điều trị. Thường những bạn bị mụn mà để lại tổn thương sâu qua màng đáy thì rất dễ để lại sẹo là vậy.
– Màu xám: đã đi qua thượng bì và xuống đến trung bì, tổn thương bắt đầu trở nên khó giải quyết.
– Màu xanh, xanh xám, xanh đen (blue): với tình trạng này bạn phải đi gặp bác sĩ ngay. Điển hình là những bạn bị nám khói do sử dụng kem trộn.
Bạn cần đến gặp bác sĩ để biết mình đang gặp phải tình trạng nào. Nếu không bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ mất sắc tố vĩnh viễn nếu tình trạng quá nặng.
Mụn
Mụn có thể chia thành 4 cấp độ như sau:
Cấp độ 1 – Mụn nhẹ: loại không viêm mở hoặc đóng (mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn). Bạn có thể skincare tại nhà, tập trung vào việc tẩy tế bào chết, có thể dùng các sản phẩm dưỡng ẩm cấp nước nhưng ưu tiên kết cấu mỏng nhẹ.
Cấp độ 2 – Mụn vừa: chủ yếu là mụn đầu đen, đầu trắng nhưng tần suất xuất hiện dày hơn, các nốt mụn đầu đen cũng đậm màu hơn. Kèm theo mụn sần đỏ và mụn viêm ở thể nhẹ, không quá đau nhức, sưng tấy, nốt viêm nhanh gom cồi. Cấp độ này ngoài làm sạch và tẩy tế bào chết, bạn có thể kết hợp thêm Benzoyl Peroxide và Retinol nếu sản phẩm Retinol đó được bào chế phù hợp cho da mụn.
Cấp độ 3 – Mụn nặng (vừa): bao gồm các loại mụn ở cấp 1, cấp 2 cộng với các loại mụn viêm ở thể nặng. Các nốt mụn viêm có dấu hiệu nhức, nhân mụn có chứa nhiều mủ. Mụn viêm chiếm đa số. Bạn có thể skincare tại nhà nhưng cũng nên đi thăm khám bác sĩ để có sự kết hợp qua lại.
Cấp độ 4 – Mụn rất nặng: Mụn chủ yếu là các tình trạng mụn viêm ở thể rất nặng. Xuất hiện thành các ổ viêm to, có thể kèm theo mùi hôi khó chịu. Mụn bọc, mụn nang xuất hiện dày. Đi bác sĩ ngay không phải nghĩ, đến cấp độ này bạn phải dùng thuốc rồi.
Dưỡng da là một hành trình
Ai cũng biết những vấn đề mình đang gặp phải nhưng rất ít người biết làn da mình đang bị tổn thương đến cấp độ nào. Điều đó khiến mọi người đưa ra những quyết định không hợp lý.
Việc lựa chọn sai phương pháp hoặc sử dụng những hoạt chất không phù hợp với tình trạng da gặp phải dễ khiến da nặng hơn và rất khó để xử lý. Dưỡng da là hành trình lâu dài, cần sự kiên trì và có sự đầu tư nghiêm túc, thế nên hãy quan tâm nó thật nhiều nhé!
(Nguồn: Chang Skincare)