Có rất nhiều hình thức phạt học sinh, từ khuyên bảo cho đến trừ điểm, kỷ luật… nhưng chẳng phải động chạm đến lòng tự trọng là thứ có sức tàn phá kinh khủng nhất đối với giới trẻ hay sao?
Mới đây, vụ việc một nữ sinh lớp 10 ở An Giang để lại thư tuyệt mệnh rồi tự tử trong nhà vệ sinh khiến nhiều người hoang mang. Nữ sinh tâm sự “uống hết cả vỉ thuốc với ý định như một sự giải thoát” khi bị thầy cô cấm túc, kiểm điểm công khai trước toàn trường.
Khoan nói đến việc nữ sinh đã phạm phải lỗi gì, người ta thực sự sốc và tự hỏi trước tính răn đe và giáo dục của việc “phạt học sinh công khai trước toàn lớp, toàn trường”. Có rất nhiều hình thức phạt học sinh, từ khuyên bảo cho đến trừ điểm, kỷ luật… nhưng chẳng phải động chạm đến lòng tự trọng là thứ có sức tàn phá kinh khủng nhất đối với giới trẻ hay sao?
Có nhiều điều đáng nói trong câu chuyện này. Lỗi của học sinh, phải răn đe thì mới nghe lời đấy. Nhưng các biện pháp có sự răn đe ở mức độ nào thì học trò mới “thấu” được?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhóm tác giả Hello GenZ, những người đang trong độ tuổi học sinh để hiểu rõ hơn cảm xúc của giới trẻ về hình phạt này.
Có nên kiểm điểm học sinh công khai trước toàn trường?
Mình nghĩ cái này cũng bị bỏ lâu rồi mà bữa có vụ này mới biết vẫn còn vài trường có. Đồng ý là biện pháp này đôi khi sẽ hiệu quả với những học sinh biết sửa sai hoặc mức độ lỗi quá lớn (ví dụ phải xử lý kỷ luật vì đánh nhau…), còn hại thì lại lớn hơn nhiều vì giá trị giáo dục quá ít, ví dụ:
– Những bạn có tâm lý yếu, hay tự ti thì việc bêu tên trước toàn trường sẽ khiến học sinh dễ nghĩ quẩn, vì trước giờ đã cảm thấy mình không bằng ai, nay lại thêm một đòn “đấu tố tập thể” bị mọi người bàn tán nữa.
– Bạn nào hay nghịch phá thì nhiều khi lại khiến càng “lộng hành”, vì nghĩ đã bị nêu tên vậy rồi thì tâm thế không còn gì để mất, cứ thế nghịch tiếp.
Việc bêu tên như vậy không phải là cách thích hợp nhất để giải quyết vấn đề. Có những bạn bị xấu hổ với bạn bè, thầy cô, tác động đến tâm lí khiến sợ hãi, thậm chí có thể dẫn đến những trường hợp xấu hơn như nghỉ học vì không dám đến trường.
Đối với những bạn “cá biệt” lại xem việc được bêu tên là niềm vui, các bạn thể hiện thái độ cười đùa, vinh dự và không hề có sự ăn năn hối lỗi. Từ đó có thể dẫn đến việc “cố tình” làm sai để được bêu tên như vậy.
Như vậy phía nhà trường có thể hạn chế việc bêu tên, trừ những trường hợp khen thưởng hoặc những hành vi quá nghiêm trọng. Giáo viên có thể góp ý, kiểm điểm học sinh qua nhiều hình thức khác một cách tế nhị hơn.
Cái này thì theo mình, luật cũng đã nói về vấn đề này rồi, khen thưởng thì sẽ được tuyên dương trước lớp, toàn trường còn kỷ luật thì phải nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp học sinh để khắc phục.
Nên là hành vi bêu tên này đã bị loại bỏ về mặt luật. Còn xét về mặt nhân văn thì điều này gây ra rất nhiều hệ lụy đối với học sinh, sinh viên. Các bạn đang tuổi ăn học, phát triển cả về tâm sinh lý nhưng lại phải chịu áp lực từ chính người dạy dỗ mình, chịu sự chế giễu từ chính người học tập cùng mình thì việc không biết giải tỏa tâm lý như thế nào là chuyện hết sức dễ hiểu.
Trong khi đó lựa chọn của nhà trường lại chỉ đơn giản là cái xấu cần phải được phê bình, lên án nhằm làm gương cho các học sinh khác mà quên mất rằng mọi chuyện đều có lý do. Vậy nên cần tìm hiểu một cách rõ ràng nhất trước khi đưa đến kết luận, tránh làm tổn hại đến danh dự và tinh thần của học sinh.
Ai cũng có lòng tự trọng riêng, học sinh cũng cần có “mặt mũi”.
Mình nhớ, hồi học cấp 2, có một lần mình đi học muộn xong bị gọi tên trước trường, phải đứng nguyên cả 1 giờ chào cờ. Kết quả là ngay hôm sau mình nghỉ học nguyên 1 ngày vì quá ngại với bạn bè.
Thực ra, ai cũng biết là thầy cô làm như thế cũng là một phần muốn tốt cho học sinh. Nhưng mà mình đâu thiếu cách để thể hiện điều đó. Nhiều lúc các thầy cô cứ nghĩ là “Chúng nó còn trẻ con, không nghĩ gì nhiều đâu. Không lo” nhưng mà ngược lại, nghĩ nhiều luôn ấy chứ. Một đứa trẻ vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn, mà bây giờ đi học bị thầy cô nói trước trường, bạn bè trang lứa thì biết mặt xong lại chế giễu.
Thêm nữa, 1 học sinh bị đứng lên trước trường như vậy rất dễ bị người khác có ác cảm. Nghĩ sai về bạn đó, kiểu chẳng tiếp xúc mấy lần nhưng đã có ấn tượng “cái đứa này nó chả ngoan đâu”.
Khi bị phạt trước toàn trường, đồng nghĩa với việc bạn không có cơ hội lên tiếng. Nếu trò chuyện 1 đối 1 hay với số ít, bạn còn dám cãi lại hay biện hộ cho bản thân. Nhưng khi ở dưới hàng trăm con mắt săm soi, tội sẽ tự nhiên nâng lên gấp trăm lần, và riêng cảm giác xấu hổ tột độ lúc đấy cũng đã khiến bạn chẳng thể suy nghĩ được cái gì hơn.
Rõ ràng, việc phạt công khai toàn trường không phải câu chuyện mới đây khi có Internet, đó là câu chuyện có từ rất lâu rồi, nhưng với sự xuất hiện của mạng xã hội, nó chuyển dần từ việc phạt trước trường, sang một nhóm lớn khi video chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.
Điều tệ là kể cả khi bị giáo viên phạt kiểm điểm toàn trường, bạn cảm thấy hối hận thì mọi chuyện cũng chưa xong. Khoảnh khắc xấu hổ đó có thể bị 1 điện thoại nào đó lưu lại, rồi up Facebook hay xấu tính đi rêu rao mỗi khi bạn lặp lại sai lầm đó.
“Thương cho roi, cho vọt” nhưng phạt thế nào mới đúng?
Băng Tâm (21 tuổi, Đại học Hà Nội)
Mình đồng ý việc phạt/kỷ luật học sinh, nhưng không chấp nhận việc giáo viên có những lời nói mang tính xúc phạm. Khi quyết định phạt, thầy cô cần cân nhắc nhiều và cân nhắc riêng từng trường hợp. Vì học sinh cũng có người này người kia, có học sinh cá biệt, có người chỉ vô tình vi phạm.
Thu Vân (16 tuổi, THPT Bắc Thăng Long)
Gói gọn trong 4 từ “nhẹ nhàng, tình cảm”. Đâu thiếu gì cách kiểm điểm mà không làm tổn thương đến nhau? Ví dụ ngay việc công khai tên trước trường, giáo viên có thể gọi riêng bạn vi phạm ra nói chuyện, nhờ bạn bè thân thiết nói đỡ vài câu, hoặc nặng hơn thì báo gia đình có cách giải quyết. Bất đắc dĩ lắm thì nhờ đến sự trợ giúp của các tổ chức xã hội chuyên về quản lý, bồi dưỡng thanh thiếu niên.
Châu Phong (21 tuổi, Đại học Kinh tế – Luật)
Mình nghĩ cách xử lý vấn đề là nhờ thầy cô bộ môn, bạn bè – những người thân thiết với học sinh để khuyên. Vì trường cứ giao việc cho giám thị và cô chủ nhiệm, trong khi học sinh lại không tin và bất đồng với những người đó.
Hà Vân (18 tuổi, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM)
Trong một vài trường hợp học sinh mắc lỗi, có thể đưa ra một vài cách phạt mà vẫn “vui vẻ”. Ví dụ các bạn không làm bài, điểm kém, nói chuyện gây mất trật tự, đánh nhau trong lớp… thì nên có biện pháp như cho học sinh tự biết lỗi và tự chịu trách nhiệm với lỗi của mình để cố gắng thay đổi. Ví dụ: Tự xung phong trực nhật lớp, đi trồng cây cho vườn của trường…
Giáo viên tạo cơ hội để học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân của mình thông qua những bức thư tay. Ví dụ trong trường hợp có sự tranh cãi, bất đồng giữa giáo viên – học sinh, học sinh viết thư bày tỏ và gửi cho giáo viên. Muốn xin lỗi, hứa hẹn hay có những cảm xúc riêng thì cô trò sẽ giải quyết với nhau.
Minh Hằng (21 tuổi, Đại học Ngoại thương)
Việc thưởng phạt cũng khá nhạy cảm. Nó diễn ra như thế nào thì sẽ tùy vào mức độ sai phạm, vào tính cách học sinh và tùy vào mối quan hệ. Bao gồm trong 3 giai đoạn: Khuyên nhủ, cảnh cáo (khiển trách), và cuối cùng là đình chỉ.
Mình từng đọc 1 hình thức phạt khá hay, gọi là giáo dục kỷ luật tích cực, tức là sẽ tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm. Những chuyên gia sẽ tìm hiểu về tâm lý và động cơ hành động của học sinh. Điều này không chỉ giúp học sinh thay đổi thái độ, mà còn phán đoán và phòng ngừa những lỗi lầm có thể xảy ra sau này của học sinh.
Vậy nên với mình, mấu chốt trong việc “phạt học sinh” là phải biết lắng nghe và hiểu tâm lý các bạn ấy. Rồi mới từ đó xử lý vụ việc tận gốc. Chỉ những lời khuyên chân thành từ những người học sinh tin tưởng thì mới có sự sửa đổi tích cực được.