Học cách học, làm bài tập về nhà và ghi nhớ, rèn luyện kỹ năng tư duy,… là những kỹ năng thiết yếu cần rèn luyện cho trẻ khi bắt đầu vào môi trường tiểu học. Các con được khích lệ thể hiện vai trò chủ động và có trách nhiệm hơn với việc học của mình. Khả năng tự học sẽ giúp nuôi dưỡng thành công lớn hơn trong tương lai. Bởi khi tự khám phá về một chủ đề nào đó, trẻ sẽ hiểu sâu, hiểu kỹ hơn, từ đó, càng thêm đam mê khám phá
Dưới đây là những cách ba mẹ có thể áp dụng để giúp con phát triển các kỹ năng học tập tốt ở trường tiểu học!
1. Kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc cần làm
- Thực hành không kèm áp lực
Kiên trì giúp con làm quen với việc chịu trách nhiệm về những việc cần làm của mình trước khi đối mặt với một tình huống quan trọng. Một các hữu hiệu để rèn kỹ năng này là để trẻ tham gia một dự án mà trẻ yêu thích. Ví dụ, về bóng đá hoặc Pokemon. Quá trình thực hiện dự án giúp trẻ thực hành kỹ năng sắp xếp, tổ chức sao cho đạt hiệu quả mong muốn.
- Chia nhỏ nhiệm vụ
Chỉ cho trẻ thấy cách chia nhỏ nhiệm vụ thành các phần có thể xử lý được. Thay vì nhìn vào một bài luận như một tổng thể, hãy phân tách thành các giai đoạn:
- Lên kế hoạch viết
- Tìm tòi tài liệu, thông tin liên quan…
- Viết phần mở bài/thân bài/kết luận
- Luôn tập trung vào mục tiêu
Khích lệ con lập kế hoạch và đặt mục tiêu trước khi bắt đầu một dự án. Sau đó, hãy đánh giá các mục tiêu và trả lời những câu hỏi như: Con có đạt được mục tiêu đã đề ra không? Có cần tiến hành thêm một số việc không? Lần tới, con sẽ làm gì để mọi việc tiến triển thuận lợi hơn?
2. Kỹ năng ghi chép
- Luyện tập với điều mà con quen thuộc
Cách này giúp con hiểu cơ bản về kỹ năng ghi chép, giúp con luyện tập với một câu chuyện hoặc một bài văn nhỏ mà con thích. Hỏi con những câu hỏi như: Điều gì quan trọng nhất trong cuốn sách này? Con nhớ nhất điều gì về nó? Như vậy, trẻ có thể phân biệt thông điệp cốt lõi và thông tin bổ trợ. Chúng có ý nghĩa quan trọng khi trẻ thực hành ghi chép.
- Không viết quá nhiều
Cố gắng ghi lại mọi lời giảng của thầy cô không những khiến con khó khăn để theo kịp bài giảng. Nó còn gây ra áp lực quá tải thông tin để ghi nhớ. Vì vậy, ba mẹ có thể động viên con chỉ ghi lại những từ chính, từ quan trọng.
- Đọc lại
Nếu muốn con không quên những gì vừa nghe, vừa đọc, chìa khoá chính là duyệt lại những gì trẻ viết sau đó. Việc bình duyệt này nên tiến hành thường xuyên. Con có thể điền thêm bất cứ chi tiết nào nảy ra trong đầu vào bài viết.
3. Ôn tập và ôn thi
- Chia nhỏ kiến thức ôn tập
Tương tự kỹ năng tổ chức, sắp xếp, việc ôn tập, ôn thi hiệu quả có thể đạt được bằng cách chia nội dung ôn thành các phần nhỏ, có thể dễ dàng tập trung xử lý được.
- Xem lại các dạng bài kiểm tra, bài thi trước
Ngoài việc làm quen với cấu trúc bài, trẻ còn ghi nhớ thông tin lâu hơn qua việc thực hành lặp đi lặp lại. Ba mẹ không cần lo lắng về chuyện con phải ôn trong điều kiện giống như đang kiểm tra/thi thật, nhất là lúc mới ôn.
Hãy để con mở sách và không giới hạn thời gian. Đồng thời, nhắc con có thể hỏi trợ giúp từ mẹ nếu cần. Việc này sẽ làm cho con tích luỹ sự tự tin trước khi bước vào kiểm tra/thi chính thức.
- Sử dụng giáo cụ trực quan
Bút đánh dấu, bản đồ tư duy, giấc nhớ… đều có thể tận dụng để ghi chú và ghi nhớ nội dung ôn.
- Giải toả căng thẳng cho trẻ
Lo âu là một trong những rào cản lớn nhất khiến trẻ làm bài kiểm tra/tốt không như mong đợi. Do đó, hãy thường xuyên trò chuyện với con để trẻ thổ lộ cảm xúc của mình.
4. Nghiên cứu, tìm tòi
Không phải lúc nào cũng lên mạng Internet là nguồn thông tin tuyệt vời. Nhưng ba mẹ hãy khích lệ con thử nhiều cách tìm hiểu khác: qua sách (thư viện gia đình và địa phương); bách khoa toàn thư, các cuộc điều tra, phỏng vấn bạn bè, người thân, tới thăm bảo tàng và các địa danh liên quan tới nội dung học của trẻ.
- Tìm kiếm thông tin không chỉ từ một nguồn
Dạy con cách thẩm định thông tin, kiểm tra xem nó có chính xác không bằng cách đối chiếu với nhiều nguồn.
- Tìm kiếm ý kiến đối lập
Một kỹ năng nghiên cứu thường bị đánh giá thấp nhưng thực ra lại vô cùng cần thiết, đó là tìm nguồn thông tin đối lập. Nhờ đó, trẻ có thể có được thông tin sâu, rộng, nhiều chiều và cân bằng.
5. Quản lý thời gian
- Tập trung vào nhiệm vụ, không phải vào thời gian
Trẻ dễ dàng dành nhiều thời gian có vẻ như đang học nhưng thực ra lại học được rất ít. Động viên con tự đặt một nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ đó, thay vì đo đếm xem trẻ ngồi bên bàn học bao lâu.
- Lập thời khóa biểu
Hướng dẫn trẻ lập thời khoá biểu cho việc làm bài tập về nhà, các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ, giờ ăn, thời gian xem tivi, chơi máy tính, đọc sách… Thời khoá biểu giúp trẻ chủ động về mọi việc cần và muốn làm.
- Không trì hoãn
Tạo cho con thói quen làm bài tập về nhà ngay khi tan học. Bởi một khi hoàn thành, trẻ có thể thoải mái thư giãn và làm những gì mình thích.
- Biến học hỏi trở thành một phần cuộc sống
Ngoài dành thời gian cho việc học, cố gắng kết hợp học hỏi vào cuộc sống thường ngày. Trò chuyện với con về một dự án, đặt các câu hỏi khi trên xe di chuyển hay trong bữa tối. Đó có thể là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong ngày.
Nguồn: theschoolrun