Chúng ta vẫn thường nghe danh xưng “giám đốc sáng tạo” của những thương hiệu, đặc biệt là thời trang. Vậy, có bao giờ bạn thắc mắc rằng các thương hiệu thời trang lựa chọn Giám đốc sáng tạo như thế nào?
Mùa thời trang hiện tại đang có những biến động đáng kể. Trong khi chờ đợi Louis Vuitton bổ nhiệm giám đốc sáng tạo mới, hai thương hiệu xa xỉ Gucci và Burberry đang chuẩn bị cho màn ra mắt của Sabato De Sarno và Daniel Lee; trong khi hai thương hiệu ngách nổi tiếng, Ann Demeulemeester và Nina Ricci, sắp trở thành nơi cho hai nhà thiết kế trẻ Ludovic de Saint Sernin và Harris Reed “thể hiện”.
Chúng tôi đang chờ đợi bộ sưu tập thứ hai hoặc thứ ba của những nhà thiết kế mới nổi đang được triệu tập để mang lại ánh hào quang mới cho các thương hiệu đã “có tuổi”: Rhuigi Villaseñor cho Bally, Serhat Işık và Benjamin A. Huseby cho Trussardi và Maximilian Davies cho Ferragamo.
Một số lượng lớn các câu chuyện, con người và thậm chí cả các tình huống kinh doanh khác nhau, tất cả đều đặt ra câu hỏi về cách người ta chọn một Giám đốc sáng tạo mới cho một thương hiệu. Câu trả lời thường không rõ ràng.
Đơn giản thì, cũng giống như đối với từng loại công việc có một công cụ cụ thể, mỗi thương hiệu có thể chọn một giám đốc sáng tạo cụ thể. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất, thực sự có giá trị trong trường hợp của các công ty niêm yết: giá trị cổ phiếu.
Chẳng hạn, giá cổ phiếu của Gucci và Burberry đều tăng khi chia tay giám đốc sáng tạo cũ và thông báo về giám đốc mới lần lượt được công bố – đối với những thương hiệu không có nhà đầu tư lớn, giá trị truyền thông và sự chấp thuận của cộng đồng mạng là đủ.
Nếu một thay đổi nhân sự mới khiến công chúng nói về một thương hiệu mà cho đến mấy ngày trước vẫn không ai để ý tới, thì sự lựa chọn có lẽ là đúng đắn.
Đối với nhiều người, sự thăng tiến của Sabato De Sarno với tư cách là giám đốc sáng tạo của một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới, sau một sự nghiệp rất dài đằng sau hậu trường tại Valentino, thể hiện sự trả đũa tới tất cả những “kỹ thuật viên thời trang” chuyên nghiệp, những người chỉ mua sắm thời trang, chưa bao giờ nghiên cứu về nó, nhưng lại thành lập hàng loạt thương hiệu, thậm chí đạt được những vị trí cao trong ngành thời trang mà không cần có những kỹ năng cơ bản mà bất kỳ thợ may nào cũng có trong ngày làm việc đầu tiên của họ.
Việc lựa chọn De Sarno cho Gucci, cũng được so sánh với việc bổ nhiệm Blazy tại Bottega Veneta, hoàn toàn chắc chắn có liên quan đến mong muốn của Kering nhằm thúc đẩy một loại hình xa xỉ mang tính vật chất và hữu hình hơn là khái niệm mơ hồ, ít liên kết với các nguồn gốc thương hiệu, hướng tới mục đích rằng một sản phẩm của Gucci có thể tồn tại lâu dài và không bao giờ lỗi mốt.
Tuy nhiên, đã có những động lực khác cho những cuộc thay đổi nhân sự chủ chốt gần đây, nhằm mục đích thắp lại ngọn lửa trong những thương hiệu lừng lẫy đã nguội lạnh trong nhiều năm, hoặc thậm chí chìm vào giấc ngủ đông kỳ lạ xảy ra trong thời trang thường xuyên hơn chúng ta nghĩ, nhưng không ai nhắc đến.
Trong những trường hợp này, các giám đốc sáng tạo thường được lựa chọn trong số những ngôi sao trẻ của ngành thiết kế, và có vẻ như các nhà điều hành thời trang thích tạo ra những sự hợp tác bất ngờ, hy vọng rằng ‘cú sốc’ ẩn dụ giữa thương hiệu cũ và nhà thiết kế mới sẽ thắp lại tia lửa đang ngủ yên.
Đây là trường hợp của Maximilian Davies, có lẽ là người thú vị nhất trong số các nhà thiết kế người Anh mới nổi xuất hiện trong những năm gần đây, người đã được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Ferragamo, để rũ bỏ hình ảnh cũ kĩ, già nua của hãng và mang lại hơi thở rất cần thiết của tính quốc tế và chủ nghĩa đa văn hóa đến thương hiệu Tuscan đáng kính.
Và Serhat Işık và Benjamin A. Huseby, những người có độ tuổi tương đối trẻ nhưng đã là một trong những tiêu chuẩn được các ông lớn trong lĩnh vực xa xỉ “sao chép” nhiều nhất, đã tranh thủ thổi luồng sinh khí mới vào Trussardi.
Cuối cùng, đó cũng là trường hợp của Bally – nhà sản xuất đồ da và giày hàng thế kỷ của Thụy Sĩ, thương hiệu mà Rhuigi Villaseñor đã tạo ra một hình ảnh mới và sống động bằng cách giới thiệu bộ sưu tập mới ở Milan vào mùa trước và ra mắt bộ sưu tập đồ trượt tuyết mới ở một số địa điểm quan trọng ở quê hương Thụy Sĩ.
Trường hợp này lại khác đối với các thương hiệu như Nina Ricci và Ann Demeulemeester, những thương hiệu có Giám đốc sáng tạo mới có nền tảng rất phù hợp, mặc dù họ đã đạt được thành công lớn trong ngành và đến với thương hiệu của họ với một cộng đồng và người theo dõi trên mạng xã hội vốn đã rất lớn và có “gu” riêng.
Trên thực tế, Ludovic de Saint Sernin và Harris Reed đã được biết đến với bất kỳ ai làm việc trong ngành, và cả hai về cơ bản đã được biết đến ngay cả trước khi ra mắt chính thức. Cả hai đều có năng khiếu thiết kế và kỹ năng làm rập mạnh, không giống như những kẻ nghiệp dư đã giành được những vị trí quan trọng ở London, Milan và Paris chỉ với số lượng người theo dõi lớn.
Có vẻ như làn sóng những nhân vật được tung hô một cách “trơ trẽn” và không đáng tin cậy trong những năm qua đã kết thúc, với một cuộc khủng hoảng chung của các nhà thiết kế “streetwear” bán những chiếc áo hoodie và áo phông in hình rất tầm thường.
Điều không hiệu quả đối với thế hệ các nhà thiết kế mới hiện nay, là khát khao được ngồi lên “chiếc ngai vàng” lãnh đạo của các thương hiệu có bề dày lịch sử lớn, thế hệ những người nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng chưa bao giờ thực sự làm việc trong một thương hiệu thời trang, cũng như không có kinh nghiệm vững chắc và cụ thể trong lĩnh vực này.
Sự lựa chọn này là do tầm quan trọng của Instagram vào thời điểm đó, cộng với theo công thức (sai lầm) về mức độ phù hợp với văn hóa và lượt theo dõi trên mạng xã hội, mà không cần nhớ rằng, để tung ra sáu bộ sưu tập một năm, đồng thời quản lý nhà cung cấp và nhà bán buôn cũng như làm cho một thương hiệu xa xỉ phát triển mạnh, đòi hỏi người lãnh đạo phải có tư duy sâu sắc, trực giác nhạy bén và kỹ năng thiết kế chắc tay.
Như vậy, với những sự bổ nhiệm gần nhất này, thời kỳ lựa chọn của các thương hiệu thời trang bắt đầu. Đôi khi, những quyết định khó khăn, đầy rủi ro sẽ phải được đưa ra giữa các giám đốc sáng tạo, những người biết cách trở thành tâm điểm chú ý và những giám đốc sáng tạo, những người biết cách làm việc trong xưởng may và sáng tạo với sự chuyên nghiệp và kiến thức dồi dào. Các thương hiệu nên đặt ra câu hỏi, liệu người giám đốc sáng tạo này có đủ khả năng để trở thành một nhà thiết kế giỏi?
Theo NSS Magazines/ Style-republik