Bộ tranh “Khẩu trang và người nổi tiếng” của họa sĩ Lê Sa Long pha trộn giữa siêu thực và pop-art, nét tranh tươi sáng thu hút mọi ánh nhìn, ra mắt với tập sách cùng tên tại Đường sách TP.HCM vào sáng nay 29-10.
Ca sĩ Chi Pu, họa sĩ Fujiko F. Fujio, diễn viên – đạo diễn Ngô Thanh Vân (hàng trên, từ trái qua), nhà văn Tô Hoài, ca sĩ Xuân Mai, rapper Đen Vâu (hàng dưới, từ trái qua)
“Tôi chọn vẽ người có đạo đức, nhân cách tốt, là tấm gương sáng điển hình đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19…” – họa sĩ Sa Long cho biết tiêu chí chọn nhân vật để vẽ tranh.
Bắt được cái thần qua… khẩu trang
Vào đầu tháng 5-2020, họa sĩ Lê Sa Long nhận vẽ chân dung một vị lãnh đạo người nước ngoài với yêu cầu sáng tạo bức tranh phù hợp bối cảnh dịch bệnh.
Anh đã vẽ chân dung cùng chiếc khẩu trang có hình chú chó (là con vật cưng của chủ nhân), được lòng khách hàng. Từ đó, Sa Long nảy sinh ý tưởng và bắt tay thực hiện dự án “Khẩu trang và người nổi tiếng”.
Đến nay, sau 2 tháng, họa sĩ Lê Sa Long đã hoàn thành bộ tranh 40 bức “Khẩu trang và người nổi tiếng” gồm các chân dung: Tổng thống Donald Trump, Steve Jobs, Walt Disney, Albert Einstein, Picasso, công nương Diana, Lý Tiểu Long, danh hài Hoài Linh, nghệ sĩ Trường Giang, nhà văn Tô Hoài, Mạc Can, diễn viên Ngô Thanh Vân, Trấn Thành, Hari Won, ca sĩ Lệ Quyên, Quang Dũng, Đen Vâu, Chi Pu, Hoàng Thùy Linh, Color Man, Kao Siêu Lực, Hoàng Tuấn Anh…
Vẽ tranh chân dung đã khó, vẽ tranh chân dung đeo khẩu trang càng khó, bởi chỉ còn cái thần của đôi mắt nhân vật. “Tôi may mắn có đông đảo bạn bè là nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên… có nhiều gợi ý độc đáo về nét đặc trưng của các nhân vật nổi tiếng.
Tôi mất khoảng 3-4 ngày để lên ý tưởng, bố cục, còn thời gian để hoàn thiện bức tranh thì chỉ mất 1-2 ngày. Tuy nhiên, không phải bức tranh nào cũng thuận lợi như vậy, cũng có tranh tôi phải vẽ đến 2-3 lần, hoặc bỏ vẽ lại mới từ đầu vì thấy chưa ra thần thái hoặc chưa vừa ý” – họa sĩ Sa Long chia sẻ.
Lan tỏa thông điệp nhân văn
“Họa sĩ Lê Sa Long đã làm một việc rất ấn tượng trong phòng chống lây nhiễm COVID-19 theo cách rất riêng.
Anh dùng đường nét, màu sắc của hội họa diễn đạt những tên tuổi lừng danh trong quá khứ và những tên tuổi đương thời cũng như những nhân vật trong các tác phẩm nổi tiếng của các danh họa trên thế giới.
Nét đặc sắc của các nhân vật chính ở chỗ chiếc khẩu trang với họa tiết, hình tượng chắt lọc nêu lên nghề nghiệp, thành quả, những khát vọng… của họ” – họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nguyên chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, chia sẻ.
Còn nhà xã hội học Nguyễn Quang Vinh hình dung: “Có thể 50 năm sau, một thiếu niên ngẫu nhiên tiếp xúc với những bức tranh của Lê Sa Long hôm nay, em sẽ kêu lên: “Ồ, quên sao được những năm 20 của thế kỷ 21, cả nhân loại đã đứng lên để chống COVID-19, cái này em có thấy trong sách giáo khoa…””.
Hơn 10 năm nay, họa sĩ Lê Sa Long còn là người lưu giữ thanh xuân của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam qua bộ tranh “Nghệ sĩ Việt Nam”. Anh tâm sự, lúc đầu không nghĩ đến việc vẽ chân dung nghệ sĩ để làm thành bộ sưu tập, chỉ đơn giản muốn lưu giữ những khoảnh khắc thanh xuân của nhiều nghệ sĩ có đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Vậy mà đến nay đã được 80 bức tranh.
Họa sĩ Lê Sa Long vẽ tranh chân dung nhạc sĩ Trần Tiến – Ảnh: PHƯƠNG NAM
Họa sĩ Lê Sa Long là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, từng tổ chức triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000; triển lãm nhóm tại TP.HCM năm 2001, năm 2008, tại Thái Lan năm 2003; triển lãm Mỹ thuật Bình Định 20 năm (2015); tham gia triển lãm màu nước quốc tế tại Việt Nam (2019). Mới đây, vào tháng 4-2020, anh tổ chức triển lãm tranh cá nhân “Lời thiên thu gọi” về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Anh cũng đoạt nhiều giải thưởng về chân dung ký họa.
Theo Tuổi trẻ Online