Không chỉ làm giày dép khô nhanh hơn, cách này còn giúp trang trí cho ngôi nhà của bạn gọn gàng, đẹp đẽ hơn nữa đấy.
Thời tiết mưa gió, ẩm ướt luôn là “kẻ thù” với những đôi giày, dép… Khi bạn đi mưa về, nếu không vệ sinh và bảo quản đúng cách, giày sẽ bị ngấm nước, nhanh mủn và chẳng mấy mà hỏng. Để giữ giày dép được sạch sẽ, nhanh khô và đẹp như lúc mới mua, khi đi mưa về các bạn hãy nhớ làm ngay những việc dưới đây để làm sạch và bảo quản giày dép nhé.
1. Đặt khay đá cuội ở cửa để vừa hút ẩm vừa sạch nhà
Khi đi từ ngoài vào nhà, giày dép của chúng ta thường dính rất nhiều đất cát, trong những ngày mưa sẽ còn ngấm nước mưa nữa. Nếu để bừa bãi ra sàn sẽ khiến cho ngôi nhà của bạn bị bẩn và mất thẩm mỹ. Hơn nữa, nếu giày dép ướt thì để như vậy cũng sẽ lâu khô, khiến chúng nhanh hỏng hơn.
Vì vậy, để giữ sàn nhà vừa sạch, lại hứng trọn ẩm ướt và bụi bẩm bám ở giày khi đi mưa về bạn hãy đặt một khay đá cuội ở cửa để đặt giày lên trước khi làm những việc khác.
Rất đơn giản thôi! Bạn chỉ cần rải đá vào một chiếc khay rồi đặt ở vị trí gần cửa ra vào như thế này.
Các bạn chú ý đổ vào dàn đều kín chiếc khay nhé!
Khi đi về, chúng ta đặt luôn giày dép lên. Đất cát dưới đế giày dép hay nước mưa ngấm sẽ rơi xuống dưới. Nếu có nhiều giày dép, các bạn hãy làm thêm vài chiếc khay như vậy rồi đặt lên các tầng của giá dép nhé!
2. Làm sạch
Đây là việc đầu tiên cần làm với các đôi giày, dép sau khi đi mưa về.
– Các bạn hãy rút phần lót giày ra để hong khô bởi nếu để trong giày sẽ khiến những đôi giày lâu khô hơn, không những thế còn bốc mùi khó chịu nữa.
– Dùng vải ướt lau hết bùn bẩn và dùng vải khô lau lại một lượt. Các bạn nhớ lau nhẹ tay với giày dép da bởi mạnh tay sẽ khiến lớp da bên ngoài bị trầy xước đó.
– Đối với giày vải, các bạn có thể giặt luôn nhưng không nhúng cả đôi giày vào nước mà hãy làm ướt bàn chải rồi chà sạch cùng với kem đánh răng để giày dễ sạch hơn.
3. Cách hong khô giày
– Làm khô giày bằng muối: Đun nóng muối trên chảo rồi dùng một chiếc tất để đựng. Sau đó, bạn bỏ chiếc tất vào bên trong đôi giày bị ướt. Bạn có thể lặp lại điều này tùy theo mức độ ướt nhiều hay ít của đôi giày.
– Sử dụng gạo: Bằng cách cho giày vào một chiếc hộp và đổ gạo vào và đóng kín hộp. Để trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, gạo sẽ hút hết hơi ẩm trong giày. Tuy nhiên cách làm khô giày tự nhiên này hơi tốn kém.
– Sử dụng giấy báo: Đây là phương pháp sấy nhẹ nhàng và nhanh chóng đối với giày da thuộc hoặc da lộn và guốc đế cứng. Tìm một tờ báo, bỏ qua các trang có mực đen hoặc hình ảnh vì đôi khi mực in có thể thấm ra giày. Vo tròn những mẩu báo thành viên nhỏ rồi nhét vào giày sao cho thật căng. Dùng một tờ báo to bọc giày lại để có thể hút ẩm từ mặt ngoài của giày, đặt ở nơi khô thoáng.
– Sử dụng quạt máy: Cách này phù hợp với giày chất liệu da bền hoặc giày thể thao. Giày da lộn có thể cần được sấy khô chậm hơn.
Dùng một chiếc quạt bàn hoặc quạt đứng có độ cao lớn hơn chiều dài của giày.Đặt một chiếc khăn lau bên dưới mặt trước của quạt để thấm nước từ giày trong quá trình sấy khô.
Lấy lót giày ra và sấy khô riêng với máy sấy hoặc bộ tản nhiệt trong vòng vài phút nếu chúng không phải làm bằng da. Lấy một cái mắc áo cũ và dùng kìm cắt một đoạn tầm 15 cm rồi uốn thành hình chữ “S”. Một đầu uốn nhỏ hơn để móc vào quạt và đầu kia để móc vào giày.
Tháo dây giày, mở rộng giày để luồng gió từ quạt thổi vào được nhiều nhất. Bật quạt ở mức trung bình đến cao trong 1 đến 2 giờ để giày khô hoàn toàn.