“Nắm thế giới thời trang trong lòng bàn tay” nhờ công nghê AI
Vào cuối tháng 12 năm 2022, vài tháng sau khi sự hợp tác chính thức ra mắt, những hình ảnh về bộ sưu tập đồ trượt tuyết Jacquemus x Nike đẹp mắt đã xuất hiện. Kết cấu đệm êm ái, sắc màu nhẹ nhàng và thiết kế đáng yêu ngay lập tức thu hút cư dân mạng ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Nhưng? Chúng không có thật!
Được tạo bởi nhà thiết kế giày dép Marco Simonetti và tập thể RAL7000STUDIO do anh đồng sáng lập, tất cả quần áo và phụ kiện đều chỉ ở dạng kỹ thuật số – do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Nhưng điều đó không ngăn được mạng xã hội bùng nổ về những thiết kế này. TikToker @ebonybrownstyle đã nói rằng Simonetti “nắm thế giới thời trang trong lòng bàn tay”.
Thực tế là các tác phẩm AI của RAL7000STUDIO nhận được sự quan tâm cao hơn so với bộ sưu tập Jacquemus x Nike thực tế. Bản thân nó đã báo trước tiềm năng của công nghệ này. Theo Simonetti, các khái niệm AI có thể được giải thích đơn giản là “khả năng của máy tính trong việc thể hiện các khả năng giống con người, kích thích và nâng cao khả năng sáng tạo của con người, với mục tiêu tìm kiếm các ý tưởng và quy trình tư duy đổi mới”.
Nhận ý tưởng của các nhà thiết kế và nghệ sĩ thực tế, các chương trình AI trên máy tính có thể sử dụng những ý tưởng này làm nguyên liệu để tạo ra vô số mô hình và thiết kế. Simonetti cho biết thêm: “Với AI, mỗi nhà sáng tạo đều có khả năng phát triển bất kỳ ý tưởng hoặc bản phác thảo ban đầu nào thành nhiều tùy chọn thiết kế, bằng cách tạo ra các lần lặp lại không giới hạn của cùng một ý tưởng.” Đó là một quá trình sáng tạo nhanh chóng. Anh ấy tin rằng, nếu được các thương hiệu và nhà mốt sang trọng đồng ý áp dụng công nghệ AI, các nhà thiết kế có thể sử dụng thời gian của họ hiệu quả hơn.
Như Simonetti lưu ý, tất cả các thương hiệu quần áo thể thao lớn đều đã làm việc với các định dạng công nghệ, và các nhà mốt sang trọng đã dần triển khai việc áp dụng công nghệ trong kế hoạch dự kiến của họ. Thị trường thời trang AI toàn cầu được báo cáo ở mức 270 triệu đô la vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng lên 4,4 tỷ USD vào năm 2027; bằng chứng cho thấy các công ty đang nhận ra tiềm năng to lớn của mảng này.
Code-Create, một phần phụ của Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo trong thiết kế, nơi đã giới thiệu nền tảng AI thiết kế thời trang đầu tiên trên thế giới AiDA vào tháng 12 năm 2022, đã bắt đầu có những bước đi đầu tiên. Người đồng sáng lập công ty – Kim Wong nói rằng, đã có thêm những lợi ích khác ngoài việc giảm khối lượng công việc.
“Mục tiêu là đưa ra các ý tưởng để giúp bạn suy nghĩ tốt hơn, và cũng để tăng tốc quá trình để các nhà thiết kế có thể nhạy cảm hơn với nhu cầu của thị trường,” Wong, người ví thiết kế AI giống như sử dụng máy may. Nó cần sự điều khiển của con người để cho kết quả.
Trong trường hợp đó, những nghi ngờ về việc AI đánh cắp các ý tưởng thiết kế thực sự có thể hiểu được một phần. Các nhà thiết kế nên cảm thấy rằng họ đang làm việc cùng với máy tính, thay vì đọ sức với chúng. Vì kiến thức về các khái niệm thiết kế bằng công nghệ này khá xa lạ với hầu hết các nhà thiết kế vào năm 2023, nên họ vẫn có cảm giác sợ hãi.
Patrick McDowell, người sáng lập thương hiệu thời trang mang tên mình, đặt câu hỏi liệu chúng ta có nên tin tưởng vào AI “giống như chúng ta tin tưởng vào một nhóm thiết kế để tạo ra các sản phẩm cho chúng ta? Điều đáng lo ngại là liệu họ có tiếp quản hoàn toàn? Nó sẽ khiến chúng ta trở nên vô dụng? Thật đáng sợ. Nhưng có lẽ đó là chuyện của tương lai.” Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm xúc con người trong thiết kế thời trang, thứ không thể lặp lại theo cùng một cách. “Thời trang không chỉ đơn thuần là một sản phẩm tuyệt vời. Chúng ta quan tâm đến cả câu chuyện sản phẩm và thương hiệu.”
Patrick McDowell cũng lưu ý về việc công nghệ vượt xa các khái niệm về sự sáng tạo và tính cá nhân như thế nào. “Là một người luôn hướng về sự bền vững, đây cũng là một câu hỏi của tôi. Chúng ta có thể sử dụng AI để giải quyết những vấn đề này không? AI có thể đảm bảo chúng ta đối xử đúng mực với con người và hành tinh này không?” Trên thực tế, nó sẽ có một lợi ích về tiết kiệm chất thải đáng kể.
Bản chất phản ứng nhanh của AI có nghĩa là nó có thể đáp ứng nhu cầu của từng mảng. Và do đó, việc sản xuất không còn cần phải thực hiện trước sáu tháng, nghĩa là giảm quy mô rất lớn. Đây là một lợi ích quan trọng, vì xét về ô nhiễm, ngành thời trang đứng thứ hai, sau ngành dầu khí.
Mặc dù tính bền vững có thể tạo nên cơ sở đạo đức cho thiết kế AI, nhưng chính hình ảnh thực tế mới là thứ thu hút người tiêu dùng. Từ bộ sưu tập Jacquemus x Nike của RAL7000STUDIO cho đến các những sáng tạo từ tài khoản Instagram @AIClothingDaily, có một mức độ phức tạp cao trong các thiết kế này. Nó đã mang đến một chiều hướng hoàn toàn mới cho thiết kế thời trang. Với sự bùng nổ gần đây của NFT, cần phải lưu ý rằng tính sáng tạo và nghệ thuật của Web3 thường dựa vào thiết kế và thuật toán AI. Khi công nghệ này lấn sân sang thế giới thời trang, những tác động đối với tương lai có thể rất lớn.
Như Simonetti nhận xét, “AI có thể mang đến cho một thương hiệu xa xỉ cơ hội thu hút cộng đồng người tiêu dùng tiềm năng rộng lớn hơn, tạo ra những điều nằm giữa giấc mơ và hiện thực.”
Theo Style-Republik