Dù ở giữa đám đông thì có nhiều người vẫn cảm thấy lạc lõng, bởi sự cô đơn đã ăn sâu vào trong lòng họ.
Trong ấn tượng của chúng ta, những người già sống một mình với lũ mèo hẳn sẽ thật cô đơn, trong khi đó người trẻ thì bận rộn suốt ngày, chẳng có thời gian để cảm thấy cô đơn nữa. Thế rồi một sáng nọ, tôi thấy một bà cụ tóc thì bạc quá nửa nhưng có vẻ rất khỏe mạnh đang nói chuyện với người quen. Người quen kia hỏi bà: “Mới sáng sớm ra mà bà đi đâu đấy?”. Bà cụ cười to: “Tôi bận lắm, phải tập văn nghệ, sắp có hội diễn rồi!”.
Hóa ra, người già chẳng hề cô đơn như chúng ta tưởng.
“Mở điện thoại lên, friendlist có cả 1.000 người nhưng không biết nói chuyện cùng ai”, đây lại là câu thoại quen thuộc của những người trẻ vào lúc đêm khuya vắng buồn tênh.
Hóa ra, người trẻ chẳng hề sôi nổi như chúng ta tưởng.
BBC từng thực hiện một cuộc khảo sát về sự cô đơn và kết quả cho thấy, tỉ lệ người già cảm thấy cô đơn ít hơn hẳn tỉ lệ người trẻ. Điều này khiến chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, cô đơn là “căn bệnh thời đại” đang càng ngày càng trẻ hóa.
Người xưa có cô đơn không? Tất nhiên. Nhưng nó chỉ là nỗi nhớ, nỗi chơi vơi chen lẫn giữa số ít hay chút cảm xúc buồn thương len lỏi trong thơ từ ca phú. Trong khi đó, cô đơn của người hiện đại là cảm giác đầy mạnh mẽ nhưng không hề có lý do, họ luôn cảm tưởng như chẳng ai hiểu mình, thậm chí là bị cả thế giới bỏ rơi. Nói cách khác, cô đơn không nhất thiết có liên quan đến tuổi tác, ngược lại, nó liên quan đến thời đại.
01
Ngày xưa, nhiều thế hệ gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà. Vì quyền lợi nên sự va vấp hay cãi vã là không thể tránh khỏi, tuy nhiên do đông thành viên nên sự cô đơn hiếm khi xảy ra. Trong khi đó, hiện tại không mấy người trẻ bằng lòng sống cùng người già, họ sẽ tìm cơ hội để chuyển ra sống riêng ngay khi có thể, thậm chí không ngại bỏ lại bố mẹ để tới thành phố khác lập nghiệp. Vì lý do này, một năm số dịp mà họ có thể gặp bố mẹ không nhiều. Kể cả có gặp gỡ thì cơ hội tranh luận, giao tiếp cũng chẳng nhiều, có chăng là những bữa cơm sum vầy đầy thịnh soạn, nhưng rồi chủ đề hàn huyên quanh đi quẩn lại cũng chỉ có cơm ăn, áo mặc mà không còn gì khác.
Bạn muốn làm bố mẹ vui, bạn kể cho bố mẹ những điều mới mẻ và thú vị ở thành phố. Bố mẹ lại cằn nhằn bạn đừng tiêu xài lung tung, cố tiết kiệm mà mua nhà. Bạn kể bạn và đối tác chạy dự án thâu đêm suốt cả tuần, được sếp thưởng lớn. Bố mẹ cau có bắt bạn phải chú ý đến sức khỏe, đừng có suốt ngày thức đêm.
Cứ thế, bạn không còn hứng thú nói chuyện. Bạn nghĩ rằng bố mẹ đã già, không thể theo kịp thời đại và theo kịp chính bạn.
Tại sao những người cha của thời trước luôn uy nghiêm còn những người cha thời hiện đại thoạt chừng thật nhỏ yếu? Nguyên nhân là do bạn đã nằm ngoài vòng tay của bố mẹ. Trong vòng tròn giới hạn bố mẹ đặt ra, bố mẹ là người có uy nhất, nhưng bạn đã bước ra mất rồi. Hơn nữa, nếu như thời xưa, người lớn tuổi luôn được coi là người khôn ngoan nhất trong gia tộc thì ở thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, kiến thức và kinh nghiệm của một cá nhân có thể chẳng tỉ lệ thuận với tuổi tác của họ.
Thời thế cho chúng ta tầm nhìn và trải nghiệm rộng hơn nhưng đồng thời, nó cũng khiến chúng ta ngày càng xa bố mẹ. Chúng ta lao như tên bắn về phía trước, còn bố mẹ chúng ta không thể đuổi kịp.
Chúng ta quên mất rằng bạn bè có thể ly tán do bất đồng quan điểm nhưng bố mẹ thì sẽ mãi ở bên. Ấy vậy mà nay lại có khoảng cách lớn giữa ta và bố mẹ. Một khi bạn bè rời bỏ chúng ta, chúng ta biết tìm sự an ủi ở đâu?
02
Người hiện đại có một đặc điểm rất dễ nhận thấy là không muốn làm phiền người khác. Trong xã hội truyền thống, một khi gia đình hay dòng tộc nào tổ chức đám vui, cả làng sẽ đến giúp đỡ. Vì sức người có hạn nên mọi người thân quen đều sẽ hỗ trợ nhau. Bạn bè gặp khó khăn cũng sẽ phụ nhau nhiệt tình, nay anh giúp tôi thì mai tôi giúp anh, chúng ta không nợ nần gì nhau nhiều, tâm lý ai cũng cân bằng.
Nhưng hiện tại lại khác. Mỗi người dường như lại có vòng tròn giao tiếp riêng, mối liên hệ giữa người với người cũng không sâu sắc. Nếu bạn nhờ ai đó giúp đỡ, có lẽ bạn sẽ không có cơ hội để báo đáp lại họ. Vì vậy, người ta đâm ra ngại nhờ vả. Khi không có sự giao lưu qua lại, một người phải vật lộn với tất cả khó khăn, về lâu về dài, người đó sẽ cảm thấy cực kì mỏi mệt cả về tinh thần lẫn vật chất. Khi ấy, sự cô đơn rất dễ xâm nhập và làm tổ trong lòng họ.
03
Nỗi cô đơn của một người còn đến từ việc không có ai để chia sẻ khi vui và không có ai để tâm sự lúc buồn. Mà âu lý do cũng vì người hiện đại khó kết bạn.
Khi nỗi cô đơn bủa vây bạn, bạn sẽ nghĩ gì? Tại sao không có ai nói chuyện với tôi? Tại sao không có nơi nào nói hộ lòng tôi? Tại sao ngày càng ít người hiểu tôi? Là do tôi không đủ tốt, hay là do mọi người ngày càng khắt khe?
Ai cũng có tiêu chuẩn kết bạn với người khác, và đều sẽ cố gắng kiếm tìm ai đó càng gần tiêu chuẩn càng tốt. Nhưng càng trưởng thành, bạn càng nhận ra mọi người đều bận rộn, không ai đủ rảnh rỗi và tâm trí để chạy theo sở thích, yêu cầu của bạn. Nếu bạn không chủ động tham gia vào tập thể, xin lỗi nhé, bạn sẽ sớm bị cô lập thôi, bởi không ai còn đủ thời gian để để ý đến cảm xúc của riêng bạn hết.
Còn nếu bạn miễn cưỡng hòa nhập. Sau một thời gian dài, thứ bạn cảm nhận được chỉ là sự chiếu lệ, nhàm chán. Bạn bỏ cuộc, vậy là bạn lại càng cô đơn. Có những người như vậy, họ luôn cảm giác lạc lõng dù đang ở giữa đám đông. Và cũng có những người như vậy, chỉ thích ở một mình, bởi lẽ sự cô đơn đến từ sâu trong tâm trí họ, họ tồn tại như thể đang chờ đợi để phân rã mà thôi.
04
Tôi nghĩ rằng cô đơn và thiếu tình yêu thương gắn bó chặt chẽ với nhau, thậm chí là giống nhau. Trong tâm lý học, cô đơn là một trạng thái chủ quan của xã hội khi một cá nhân bị cô lập, đi kèm với đó là cảm giác bi thương khi không được chấp nhận hoặc thiếu liên kết với những người xung quanh.
Khi chúng ta không thể cảm nhận được tình yêu cũng là lúc nỗi cô đơn ập đến. Đôi khi sự cô đơn được hình thành một cách tự nhiên, và cũng có đôi khi nó là do con người gây ra, dù thế nào đi nữa thì nó cũng liên quan trực tiếp đến chính chúng ta. Có lẽ tôi đã làm chưa đủ tốt nên mới không nhận được sự đồng tình của người khác, hoặc mặc dù tôi đã làm tốt nhưng tôi luôn giữ thái độ tách biệt, khiến mọi người không thể đối xử chân thành với tôi. Vì vậy mà tôi cảm thấy cô đơn.
Suy cho cùng, đừng bao giờ ngồi im chờ tình yêu đến. Hãy chủ động đấu tranh để giành lấy nó. Nếu bắt đầu mọi thứ từ sự chân thành và kết thúc cũng bằng sự chân thành thì cuối cùng, chính bạn sẽ là người cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nhiều nhất.
Ảnh: Tổng hợp