Trích từ bài phỏng vấn Mehdi Moussaïd, một nhà khoa học ở Berlin chuyên nghiên cứu hành vi đám đông. Ghi nhớ 8 điều dưới đây để bảo vệ bản thân.
Có thể bạn đã biết đến một vài vụ thảm kịch gần đây như là vụ việc khiến cho hơn 130 người chết ở một sân bóng ở Indonesia, hay là vụ việc khiến hơn 100 người chết ở Hàn Quốc vừa rồi. Nhưng những thảm kịch như thế này không phải là mới: hơn 110 bé trai tử vong vào 1823 tại một lệ hội ở Valletta, Malta, hơn 1400 người chết trong thảm họa năm 1990 ở Mecca, 100 người chết vì xô đẩy và chết cháy ở club The Station ở Mỹ, hơn 300 người chết ở Phnom Penh năm 2010, và nó xảy ra rất nhiều lần khác.
Sau đây là một vài lời khuyên bạn nên biết khi gặp phải tình huống như vậy, trích từ bài phỏng vấn Mehdi Moussaïd, một nhà khoa học ở Berlin chuyên nghiên cứu hành vi đám đông.
Vụ giẫm đạp tại Hàn Quốc ngày 29/10 vừa qua (Ảnh: VnExpress)
1. Để ý những dấu hiệu nguy hiểm
Một khi bạn ở trong một đám đông và bắt đầu cảm nhận được áp lực, tôi e là lúc đó đã quá muộn để hành động.
Điều tốt nhất có thể làm là đừng đặt bản thân mình vào những tình huống nguy kịch. Hầu hết mọi người không biết tình huống đó là nguy hiểm. Xã hội chúng ta đang sống không biết được sự nguy hiểm này.
Lời khuyên quan trọng nhất là biết được hiểm hoạ nếu một đám đông quá dày đặc xung quanh bạn.
2. Rời đi ngay khi bạn cảm thấy đám đông đá quá dày đặc
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái, nhưng vẫn có thời gian để có thể chuyển động tự do được thì hãy rời đi. Đó là điều mà mọi người thường không nghĩ đến. Họ sẽ thường nghĩ là “À, tôi không thoải mái lắm nhưng mà buổi hòa nhạc này cũng vui, nên chắc tôi sẽ tiếp tục đẩy về phía trước và đi về phía sân khấu”.
Đừng có làm vậy. Nếu bạn cảm thấy khó chịu thì có nghĩa là đang có nguy hiểm. Cứ rời đi và giữ cho bản thân an toàn.
3. Cố đứng thẳng, và đừng đặt balo xuống đất
Đứng vững bằng 2 chân rất quan trọng bởi nếu bạn ngã, thì sẽ rất khó để đứng lên, chính là bởi vì có quá nhiều người.
Điều này cũng hữu ích bởi nếu bạn ngã thì bạn sẽ trở thành chướng ngại vật cho những người xung quanh, những người mà có khả năng sẽ bị ngã theo bạn, và có thể là ngã lên người bạn. Điều này tạo thành phản ứng dây chuyển, hiệu ứng quả cầu tuyết lăn. Bạn không muốn mắc kẹt dưới chân đám đông dày đặc này. Điều này cực kì nguy hiểm.
Những chướng ngại vật cực kì nguy hiểm. Trong tình huống xấu nhất thì chướng ngại vật có thể là một người nào đó. Nhưng chỉ cần là 1 cái balo thôi cũng sẽ tăng khả năng một ai đó bị trượt chân ngã.
(Ảnh: Gettyimages)
4. Trong đám đông, kẻ giết người chính là sự thiếu oxy, vậy nên hãy giữ một khoảng không gian trước ngực
Người ta thường hỏi tôi là “Tại sao người ta chết ở trong đám đông? Nguyên nhân tử vong là gì?”. Nó chính là do thiếu oxy. Bạn bị ép chặt đến nỗi phổi không còn không gian để làm việc của nó, đó là hô hấp.
Nếu bạn có thể giữ được khoảng không gian cần thiết để thở thì bạn sẽ ổn. Đưa tay ra đằng trước ngực và giữ nó ở đó. Trong tư thế này, bạn sẽ có một ít không gian, dù chỉ là một xíu để cho bản thân mình khoảng 1 cm hay nửa cm vừa đủ để thở. Nó sẽ không thoải mái đâu, bạn sẽ cảm thấy rất tệ, nhưng ít ra thì bạn sẽ sống.
5. Đừng cố đẩy, hãy di chuyển cùng đoàn người
Trong đám đông, mọi thứ đều là phản ứng dây chuyền. Khi bạn đẩy người bên cạnh, họ sẽ đẩy người bên cạnh họ và dần dần thì sẽ đâm vào một chướng ngại vật và dừng lại. Khi đó họ sẽ đẩy lại chính bạn.
Khi bạn cảm thấy bị đẩy, đừng đẩy lại. Đừng khiến cho làn sóng đấy mạnh lên, hãy đi cùng dòng chảy. Điều này sẽ không thoải mái, nhưng đó là cách tốt nhất trong tình huống này. Đừng gia tăng áp lực trong hệ thống.
Trong tình xuống xấu nhất, bạn sẽ chịu sự xô đẩy từ nhiều phía. Hiện tượng này gọi là hỗn loạn đám đông. Bạn không muốn ở chính giữa nơi giao của 2 làn sóng xô đẩy, bởi áp lực đến từ 2 phía đối lập là rất nguy hiểm.
Hỗn loạn đám đông đồng nghĩa với bi kịch sắp xảy ra.
Vụ giẫm đạp tại Hàn Quốc ngày 29/10 vừa qua (Ảnh: VnExpress)
6. Tránh tường và đồ vật cứng
Khi chúng ta nhìn vào những thương tích và thương vong xảy ra trong 1 thảm kịch, hầu hết có sự xuất hiện của một chướng ngại vật cứng.
Cũng dễ hiểu, bởi nếu bạn đi cùng với dòng chảy, bạn sẽ ổn. Nhưng nếu bạn đứng ngay cạnh 1 bức tường, bạn không thể đi cùng dòng chảy được, bởi bức tường đang cản bạn. Và sự xô đẩy sẽ ép bạn vào tường. Đó là nơi bạn muốn tránh xa, những chướng ngại vật.
7. Học cách nhận biết độ dày của đám đông
Độ dày đặc là yếu tố quan trọng, nó được thể hiện bởi số người đứng trong 1 mét vuông, và có vài mức độ sau:
- Dưới 5 người/m2 là độ dày đặc bình thường. Có thể sẽ không thoải mái, nhưng không sao hết.
- Trên 6 người/m2 là lúc mọi thứ bắt đầu trở nên nguy hiểm.
- 8 người/m2: hầu hết sẽ có thương tích hay tệ hơn thế.
Có một lời khuyên nhỏ: Nếu bạn cảm thấy cả 2 bên vai hoặc nhiều vị trí trên cơ thể đều có người đang chạm vào bạn , thì tức là độ dày đặc đang khoảng 6 hay cao hơn. Nếu còn có thể thì hãy rời đi ngay, đó là mức báo động.
8. Nếu một đám đông trông có vẻ không an toàn, hãy để tâm đến những người khác
Hành vi giúp đỡ hay là hỗ trợ người khác có tính lan truyền trong các đám đông. Nhưng điều này cũng tương tự với những hành vi mang tính cá nhân hay ích kỉ.
Nếu bạn cố giúp người bên cạnh, họ cũng sẽ giúp bạn, và họ sẽ giúp người bên cạnh họ. Nếu điều này lan ra thì nó sẽ tạo một không khí tích cực, giúp đỡ. Nó sẽ khiến mọi thứ bớt tệ đi. Chắc chắn một thái độ giúp đỡ là điều bạn nên làm.
Theo: NPR